Thua lỗ nặng các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai kêu cứu

heo hoi 9 7

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có tâm thư gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhằm đề xuất những kiến nghị để cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.

Theo đó, lãnh đạo hiệp hội này cho biết sau dịch Covid-19, giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán heo thấp dưới giá thành, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã bào mòn sức sản xuất của người chăn nuôi. “Cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến năm 2020 giảm còn 4 triệu hộ và nay chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ”, ông dẫn chứng.

heo hoi 9 7
Cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến nay chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ

Tuy nhiên, lãnh đạo hiệp hội này cho biết người nông dân gần như không thể tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đây là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của các công ty, trang trại, hay hộ nông dân.

“Với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm thấp kéo dài khiến người nông dân ngày càng kiệt quệ”, ông nhận định.

Theo đó, trước mắt, ông Công đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn các gói tín dụng các gói vay đặc thù cho đầu tư trang trại đến các vùng chăn nuôi trọng điểm để tránh việc đứt nguồn vốn, nguy cơ phá sản.

“Ngoài ra, khi thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, ngân hàng nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn…để tăng quy mô”, lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất.

Cuối cùng, ông Công cho biết hiện nay các ngân hàng địa phương đều đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng qua khảo sát sơ bộ thực tế của hội chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói lãi vay này. Do đó, hiệp hội mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ.

Trước đó, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng để “cứu” ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, cơ quan này đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành thức ăn chăn nuôi trong khu vực.

“Việc giảm thuế như đề xuất gần như không làm giảm thu ngân sách Nhà nước do được bù đắp từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT, có thể tăng thêm khi hoạt động sản xuất và sản lượng ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi phục hồi”, hiệp hội đánh giá.

Khảo sát của Zing, trong vòng một năm qua, từ mức đỉnh hơn 65.000 đồng/kg vào tháng 8-9/2022, heo hơi hiện chỉ còn mức 46.000-51.000 đồng/kg, tùy địa phương. Hiện, giá mặt hàng này đã về đáy 12 tháng qua.

Tại buổi làm việc mới đây với Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng khó khăn của ngành chăn nuôi do nhiều nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ chậm.

“Doanh nghiệp, người chăn nuôi phải đi vào ngành hàng kỹ thuật tuần hoàn như đầu tư cho khâu giống. Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường… để tăng sức cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu”, ông Tiến nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng cho rằng ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

(Nguồn: Zing News)

Leave a Comment