Giá heo hơi hiện đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua, nhiều nơi ghi nhận giá heo chỉ còn 35.000 đồng/kg, hiện trong dân vẫn còn gần 10 triệu heo quá lứa ứ đọng vẫn chưa xuất đi được.
Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm, ngành chăn nuôi lợn khi lại thiếu nguồn cung, lúc lại thừa nguồn cung và chính những người chăn nuôi chịu thiệt hại nhiều nhất.
Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tiếp giảm, nên chủ trang trại nuôi lợn tại Thái Bình phải giảm tỷ lệ tái đàn 30% vì thiếu vốn.
“Hiện tại ở tỉnh Thái Bình, giá lợn hơi đang rao bán với giá từ 33.000 – 35.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi con lợn xuất chuồng, các hộ chăn nuôi đang lỗ khoảng gần 2 triệu/con. Dự báo, tháng 8, 9, 10 giá lợn hơi vẫn xuống thấp. Nếu giá tiếp tục thấp như thế này, chỉ trong vòng 2 – 3 tháng nữa, các trang trại sẽ rất khó khăn“, ông Phạm Bá Vang, hộ chăn nuôi lợn ở Thái Bình, cho biết.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, công tác dự báo tính nguồn cung, nguồn cầu của ngành chăn nuôi lợn còn nhiều hạn chế, nên người nông dân cũng dễ bị nhiễu loạn.
“Chính vì dự báo không chính xác đã làm thị trường bị hỗn loạn. Do đó, việc dự báo và kiểm đếm làm sao để có thể hài hòa được cung – cầu để tránh tình trạng những người chăn nuôi không biết mò ở đâu, phát triển đàn một cách ồ ạt đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa giống như năm 2017 và năm 2021 cũng đang lặp lại khủng hoảng thừa như thế này“, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho hay.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, hiện tại các tỉnh còn thiếu nhiều lò giết mổ chuyên nghiệp, nên khi một số thành phố lớn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã dẫn tới tình trạng lợn ùn ứ, khó tiêu thụ.
Bên cạnh đó, kho lạnh để có thể lưu giữ thịt lợn những khi nguồn cung dồi dào cũng chưa được thực thi. Theo các chuyên gia, đây được xem là biện pháp cấp bách trong trường hợp nếu người nông dân không bán được lợn hơi thì có thể cấp đông.