Các địa phương tại Đồng Nai đề xuất tăng diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp khu vực đô thị lên 1.000 m2, khu vực nông thôn lên 3.000 m2. Đồng thời hạn chế tình trạng đồng sở hữu nhiều người trên cùng một thửa đất.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để lấy ý kiến về quy định tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và hạn chế tình trạng tách thửa tràn lan phá vỡ quy hoạch, theo Báo Đồng Nai.
Dự thảo quy định rõ các điều kiện, loại đất được phép tách thửa, hợp thửa, diện tích tối thiểu để tách thửa.
Cụ thể, đất muốn tách, nhập thửa phải đảm bảo các điều kiện có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp, không bị kê biên, chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất. Đối với đất ở khi muốn tách thửa, cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5 m đối với đường giao thông có lộ giới bằng hoặc lớn hơn 19 m; cạnh thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4 m đối với đường giao thông có lộ giới nhỏ hơn 19 m.
Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa với đất ở đô thị là 60 m2, đất ở nông thôn là 80 m2. Đất nông nghiệp tách thửa ở khu vực đô thị diện tích tối thiểu là 500 m2 và khu vực nông thôn 1.000 m2.
Tại cuộc họp, nhiều địa phương cho biết, gần đây, tình trạng tách thửa đất nông nghiệp tại các huyện, TP Long Khánh rất nhiều, làm ảnh hưởng đến quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Do đó, các địa phương đề xuất tăng diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp khu vực đô thị lên 1.000 m2, khu vực nông thôn lên 3.000 m2. Đồng thời hạn chế tình trạng đồng sở hữu nhiều người trên cùng một thửa đất.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các sở ngành, địa phương rà soát lại các nội dung trong dự thảo quy định về tách, nhập thửa đất trên địa bàn tỉnh để góp ý hoàn thiện, khi ban hành giải quyết được những hạn chế như hiện nay.
Đồng thời, các huyện, TP Biên Hòa, Long Khánh nên có văn bản về danh mục các xã, phường, thị trấn áp dụng diện tích tối thiểu để tách thửa. Như vậy, khi quyết định ban hành, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương phải chú ý quản lý chặt chẽ các hồ sơ chuyển nhượng những thửa đất nông nghiệp có nhiều người đồng sở hữu để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép.