‘Cò’ lao động lừa đảo, bán người sang Campuchia
Gần đây, nhiều người dân miền núi Quảng Trị có xu hướng tìm kiếm việc làm ở ngoài địa phương để có thêm nguồn thu nhập. Song do bà con thường tìm việc thông qua các trang mạng có địa chỉ không rõ ràng, lại thiếu thông tin kiểm chứng nên dễ dẫn đến tình trạng bị lừa đảo, thậm chí bị khống chế, bán sang Campuchia.
Chúng tôi đến bản A Rông của xã Lìa ở huyện rẻo cao Hướng Hóa vào những ngày cuối tháng 3. Câu chuyện về những thanh niên ở đây bị “cò” lao động lừa đảo vẫn còn đượm buồn trên gương mặt nhiều người. Hồ Văn Xơi (SN 2001), một trong những nạn nhân, kể: “Đầu năm em nghe nhiều người bảo ở xã N’Thôi Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có tuyển dụng lao động để làm một số công việc bằng tay chân nhưng nhẹ nhàng và mức lương tối thiểu là 250.000 đồng/mỗi ngày công. Lúc em muốn tìm hiểu kỹ hơn thì được một số thanh niên ở bản chỉ cho cách lên mạng internet xem. Nghĩ rằng làm lụng ở quê quá vất vả, cả tháng chỉ bằng một ngày công trong đó nên em bàn với vợ để đi theo như hướng dẫn trên trang mạng”.
Sau khi kết nối, sáng sớm 17/2, Xơi cùng anh trai Hồ Văn Son và 16 người ở xã được bên môi giới lao động chở bằng ôtô ra ngã ba Tân Long (Hướng Hóa), sau đó tiếp tục lên xe giường nằm đi vào tỉnh Lâm Đồng. Khi đến địa phận TP Đông Hà (Quảng Trị), mọi người được yêu cầu ký cam kết vào hồ sơ việc làm là chăn nuôi lợn. Do không biết chữ nên tất cả 18 người lăn tay điểm chỉ và giao nộp căn cước công dân cho người môi giới. Vào đến Lâm Đồng, 18 người được chia thành những nhóm nhỏ để làm việc ở nhiều nơi khác nhau và công việc đều không đúng như thỏa thuận ban đầu. “Người của trang trại bảo chúng em vào bìa rừng để cắt cỏ và làm nhiều công việc khác nhau trong nhà kính. Nhóm của em phải tự lo ăn uống, mỗi ngày làm việc 8 tiếng và mức lương 7 triệu đồng/tháng. Công việc không như thỏa thuận ban đầu nên mọi người có nguyện vọng trở về nhà hoặc tìm việc khác cho phù hợp nhưng chủ sử dụng lao động yêu cầu phải tiếp tục làm việc, nếu không hợp tác thì sẽ bị bán lại cho trang trại khác ở xa hơn, còn muốn được về nhà thì phải nộp tiền chuộc”, Xơi kể.
Cuối cùng, ông Hồ Văn Lê, bố của hai anh Xơi và Son, đành phải vay mượn 7 triệu đồng để nộp tiền chuộc theo yêu cầu của chủ trang trại. Ông Lê nói mà như mếu: “Gia đình đã quá khó khăn, nay nợ thêm 7 triệu đồng là số tiền lớn, trong lúc con trai thằng Xơi mắc bệnh tim đang rất cần tiền để cứu chữa, hai vợ chồng nó gập lưng xuống rẫy cả năm cũng chỉ thu được chưa tới 10 triệu đồng không đủ để lo cho cái ăn”.
Nạn nhân Hồ Văn Thao (SN 2001, ở bản A Rông) kể: “Ba mẹ em không biết chữ, sinh ra mấy anh chị của em và em cũng chỉ học hết cấp 2. Sau đó, ai cũng phải quanh năm xuống rẫy để kiếm cái ăn hằng ngày, mà hầu như rất ít có dịp đi xa khỏi thôn bản. Sự hiểu biết, khả năng giao tiếp với người lạ rất hạn chế nên khi nghe nhiều người rủ nhau vào Lâm Đồng để lao động việc nhẹ lương cao thì em cũng hăm hở đi theo mà không biết tất cả chúng em đã bị lừa”. Khi nhận tin con trai đang bị chủ trang trại giữ hết giấy tờ, mẹ của Thao là bà Hồ Thị Xuân (SN 1980) đã phải chạy vạy vay 3,45 triệu đồng để kịp nộp tiền chuộc cho con.
Tương tự, gia đình của 6 lao động khác cũng trong nhóm người đến Lâm Đồng cùng Xơi, Son và Thao đều đã phải nộp tiền chuộc cho chủ trang trại. Số tiền này sẽ phải đợi đến mùa thu hoạch sắn năm sau mới có để trả nợ.
Số người còn lại trong đoàn 18 người đi Lâm Đồng vào ngày 17/2 kể trên hiện vẫn chưa có thông tin, trong đó có vợ chồng anh Hồ Văn Hun và anh Hồ Văn Lưu cùng ở thôn A Sói – Hang, xã Lìa. Bà Hồ Thị Nữ, một người hàng xóm, cho biết, vợ chồng Hun gửi con cho bố mẹ chăm sóc, còn vợ chồng Lưu thì nhờ chú ruột là ông Hồ Ta Ri nuôi cả 4 đứa con. Đến nay sau hơn 1 tháng nhưng ông Ri vẫn chưa liên lạc được với hai vợ chồng người cháu.
Không chỉ bị “cò” lao động lừa đảo, nhiều trường hợp khác ở vùng miền núi rẻo cao Quảng Trị khi đi theo lời chào mời, môi giới trên mạng xã hội còn bị khống chế, bán ra nước ngoài. Anh Lê Minh Đức (SN 1999, ở khóm 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) nghỉ học hồi lớp 11. Đầu tháng 2/2022, Đức được mẹ đưa vào làm việc tại Công ty Giày Việt Vinh ở Đồng Nai. Thế rồi trong những lần đi chơi game ở quán net, Đức được một người lạ kết bạn rồi rủ đi Tây Ninh tìm “việc nhẹ, lương cao”. Ngày 23/2/2022, Đức được dẫn lên khu vực biên giới ở Tây Ninh và bị hai đối tượng dùng dao khống chế dẫn sang đất Campuchia, sau đó tiếp tục đưa lên khu biệt lập tại tỉnh Sihanoukville. Tại đây, Đức được giao nhiệm vụ làm việc trên mạng xã hội để lừa đảo người Việt Nam. Trong 5 tháng bị giữ tại Campuchia, Đức phải nói dối bố mẹ là đang làm việc ở TPHCM do luôn bị người của công ty trên đất Campuchia giám sát chặt và sợ gia đình lo lắng.
Sau khi bỏ trốn với sự can thiệp của lực lượng chức năng Campuchia, Đức được cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Campuchia giúp đỡ để về nước. Tuy vậy, gia đình của Đức cũng phải nộp tiền phạt do vi phạm luật pháp của nước sở tại cùng với chi phí ăn ở trong thời gian bị lực lượng chức năng nước bạn tạm giữ.