Đồng tình với chủ trương cần di dời để tránh ô nhiễm môi trường nhưng lộ trình di dời chưa đầy 2 năm dễ khiến người chăn nuôi gặp khó khăn và gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Thời gian di dời theo từng giai đoạn là trước 31/12/2024 và đến 1/1/2025 là phải ngừng chăn nuôi tại các khu vực này.
Tới thời điểm này, nhiều trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết họ vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ các sở ban ngành có liên quan, trong khi lộ trình di dời rất ngắn.
Với trang trại 6.000 con gà, chị Linh đang rất bối rối, không biết xử lý thế nào vì nguồn vốn để tái sản xuất và địa điểm di dời đang là bài toán khó với nhà chị và nhiều cơ sở chăn nuôi trong diện buộc phải di dời.
Trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn vì dịch bệnh và chi phí chăn nuôi tăng cao, chủ một trang trại 1.500 heo nái và 700 heo thịt chia sẻ đang bị lỗ vốn. Trước quyết định bắt buộc phải di dời ra điểm chăn nuôi khác nhưng chưa có hướng ra cụ thể khiến người chăn nuôi khó chồng khó.
Theo quyết định 296/QĐ của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, trong tổng số danh sách 3.006 cơ sở thì có hơn 2.100 cơ sở chăn nuôi phải di dời và số còn lại phải ngưng hoạt động theo theo lộ trình, chậm nhất là trước ngày 31/12/2024.
Tuy nhiên, các trại nuôi cho rằng, việc di dời các cơ sở chăn nuôi cần được xem xét cụ thể hơn về nhiều mặt như đất đai, tiến độ di dời. Đối với hơn 2.400 cơ sở giấy phép còn thời hạn cũng cần được xem xét lại theo từng đối tượng khi quyết định thực hiện di dời.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, trong danh sách di dời lần này có nhiều cơ sở với quy mô khác nhau và có cả các doanh nghiệp FDI. Vấn đề đặt ra lúc này là các cơ sở chăn nuôi đang cần chính quyền địa phương sớm có những hướng dẫn cụ thể hơn, đồng thời phải có phương án đồng bộ để tránh dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực.