Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 5 tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 277 km, nhưng hiện mới chỉ hoàn thiện được 2 đường, gồm cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây kết nối các tỉnh phía Đông, và TPHCM – Trung Lương kết nối các tỉnh miền Tây. Cả 2 tuyến đường này đều đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đi qua TPHCM và Đồng Nai dài khoảng 58 km với 4 làn xe, khai thác giai đoạn 1 năm 2015, tổng mức đầu tư 20.600 tỉ đồng.
Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những tuyến cao tốc kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Tuy nhiên, sau 7 năm, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã quá tải, liên tục ùn tắc. Hiện nay, mỗi ngày cao tốc phục vụ khoảng 45.000 – 50.000 lượt xe (lễ, Tết 60.000 lượt xe), trong khi thiết kế chỉ 44.000 lượt xe.
Trước sức ép lưu lượng xe qua cao tốc tăng mạnh, Bộ Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này.
Theo nghiên cứu, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, đoạn dài gần 24 km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.
Riêng hai cầu lớn trên tuyến là Sông Tắc và Long Thành, lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Các nút giao trên tuyến cũng được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc. Tổng kinh phí thực hiện dự án hiện ước tính gần 13.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025 nhằm đồng bộ với thời điểm hoàn thành giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Tương tự, cao tốc TPHCM – Trung Lương dài gần 62 km (gồm 39,75 km cao tốc và 22,1 km đường nối) quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, được khởi công năm 2004 và hoàn thành năm 2010.
Là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối TPHCM với tỉnh Long An, Tiền Giang nhưng sau 12 năm khai thác hiện đang quá tải trầm trọng.
Tuyến cao tốc về các tỉnh miền Tây này có thể đáp ứng khoảng 35.000 – 40.000 xe/ngày lưu thông. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay khi tạm dừng thu phí, lượng xe tăng lên 53.000. Đặc biệt là vào thời gian trước và sau lễ tết, lượng xe tăng đến 150-200% khiến tuyến cao tốc này càng thêm quá tải.
Trước thực trạng này, TPHCM, Long An và Tiền Giang đều đã kiến nghị Thủ tướng sớm mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương lên 8 làn ôtô.
Về nguồn vốn đầu tư, các địa phương kiến nghị Chính phủ chấp thuận đầu tư giai đoạn 2 bằng ngân sách nhà nước hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP) để hoàn thành trước năm 2025.
Hiện việc mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mới đây, một doanh nghiệp gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng xin được đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương lên 8 làn xe với tổng vốn hơn 5.300 tỉ đồng.