Đồng Nai TV
Đồng Nai TV : Chuyên trang cập nhật tin tức, hình ảnh, clip nóng mới nhất nhanh nhất về tỉnh Đồng Nai, giải trí, du lịch, nhà đất, mới nhất 2020

Đồng Nai: Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế

(ĐCSVN) – Năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về giao thông được khẩn trương thực hiện tại Đồng Nai hoặc đi qua Đồng Nai, điều này góp phần cho sự phát triển kinh tế của địa phương nằm ngay cửa ngõ TP Hồ Chí Minh.

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây, đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai.

Đó là các dự án quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, đường vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương… là những dự án lớn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023.

Có thể thấy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án giao thông có quy mô lớn nhất hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất của cả nước được thực hiện từ trước đến nay.

Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất của cả nước với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm. Cùng với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hàng loạt dự án giao thông lớn cũng đang và sắp được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; đường vành đai 3, 4…

Ngoài các dự án giao thông cấp quốc gia, nhiều dự án khác do Đồng Nai thực hiện cũng đang được triển khai. Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, với các dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai hiện đang được xem như là một đại công trường các dự án giao thông trọng điểm của đất nước.

Riêng với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 5 tuyến cao tốc đi qua. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm: TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu.

Ngoài đường bộ, để đảm bảo kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo quy hoạch cũng có 2 tuyến đường sắt sẽ được đầu tư xây dựng gồm một tuyến đường sắt tốc độ cao và một tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành kết nối trực tiếp đến nhà ga.

Là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai. Không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đẩy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa cho địa phương này.

Được biết, một trong ba nhiệm vụ đột phá được tỉnh Đồng Nai đưa ra trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước từ năm 2021 của địa phương này là phải huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối.

Cũng theo ông Cao Tiến Dũng, các dự án giao thông đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư.

Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương liền kề nhau, nằm ở trung tâm của vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Do Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh bị chia cắt bởi các sông: Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Chính vì vậy, để kết nối giao thông đường bộ giữa 2 địa phương, các cầu đường bộ vượt sông đóng vai trò rất quan trọng.

Đồng Nai là một trong những địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40 km tiếp giáp giữa 2 địa phương, từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh sẽ có 5 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh gồm: Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái và Phước Khánh. Ngoài ra, trên tuyến quốc lộ 1K, cầu Hóa An cũng đóng vai trò kết nối giữa Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương. Hiện nay, trong 5 cầu đường bộ theo quy hoạch kết nối giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đã có 2 cầu hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác gồm cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Ngoài các cầu đã đưa vào khai thác, tới năm 2026, sẽ có thêm 2 cầu đường bộ khác kết nối giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Ngoài ra, hệ thống cảng biển cũng là một lợi thế của tỉnh Đồng Nai trong phát triển kinh tế. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho hay, bên cạnh sân bay Long Thành, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, năm 2024, Đồng Nai sẽ có thêm cảng biển Phước An. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc xuất – nhập khẩu hàng hóa, ngân sách tỉnh cũng sẽ có thêm những nguồn thu lớn.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông. Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả các dự án giao thông mang lại, hiện nay, Đồng Nai đang tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo tính kết nối khi các dự án này đưa vào sử dụng./.

Bình luận