Đồng Nai TV
Đồng Nai TV : Chuyên trang cập nhật tin tức, hình ảnh, clip nóng mới nhất nhanh nhất về tỉnh Đồng Nai, giải trí, du lịch, nhà đất, mới nhất 2020

5 dự án nghìn tỉ tăng kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây

Đường sắt TPHCM – Cần Thơ, cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương, mở rộng Quốc lộ 50, nối dài đường Võ Văn Kiệt là 5 dự án đang và sẽ được đầu tư giúp tăng kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành qua địa phận tỉnh Đồng Nai

Mở rộng Quốc lộ 50

Hơn 10 ngày trước, dự án mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng đã được khởi công.

Quốc lộ 50 sẽ được mở rộng trên chiều dài 7 km, rộng 34 m, 6 làn xe, điểm đầu tại giao lộ đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp ranh Long An.

Trong đó, gần 4,4 km xây tuyến đường mới song song Quốc lộ 50 và đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng tuyến hiện hữu. Dự án cũng xây mới cầu Bà Lớn băng qua rạch Bà Lớn và cầu Ông Thìn vượt sông Cần Giuộc, đáp ứng 6 làn xe.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết dự án mở rộng Quốc lộ 50 sẽ hoàn thành vào tháng 12.2024, tạo thành 1 trục nối kết cửa ngõ TPHCM với Long An và các tỉnh miền Tây.

Bên cạnh đó, từ Quốc lộ 50 sẽ kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành và tuyến Vành đai 3 TPHCM. Như vậy, từ cửa ngõ phía nam TPHCM, người dân còn có thể qua Quốc lộ 50 đi về sân bay Long Thành, về các tỉnh miền Đông và miền Tây trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57 km đi qua Long An, TPHCM và Đồng Nai, tổng đầu tư 31.300 tỉ đồng do Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Điểm đầu tuyến giao với cao tốc TPHCM – Trung Lương và Vành đai 3 TPHCM; điểm cuối giao Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai).

Khởi công năm 2014, công trình dự kiến hoàn thành năm 2019, song 3 năm qua phải dừng thi công do khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư sau đó xin lùi thời gian hoàn thành dự án đến năm 2023 và mới đây nhất là quý 3/2025.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến hoàn thành năm 2025

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây với Đông Nam Bộ không qua nội đô TPHCM; giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành.

Công trình được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc trên Quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo đà phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ

Tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ dài hơn 174 km, bắt đầu từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (Thành phố Cần Thơ).

Dự án có tổng đầu tư dự kiến 213.948 tỉ đồng (khoảng 9,07 tỉ USD), đi qua 6 địa phương gồm tỉnh Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ với 15 ga.

Đây là tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng.

Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ đến TPHCM mất 75-80 phút thay vì 180-240 phút đi đường bộ như hiện nay.

Đường sắt TPHCM – Cần Thơ sẽ “chia lửa” cho giao thông đường bộ giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây.

Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ). Theo đó, nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước và được quyền thuê khai thác trong vòng 30 năm.

Dự án vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xin thông qua chủ trương đầu tư năm 2024.

Mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương

Cao tốc TPHCM – Trung Lương dài 62 km nối TPHCM với Long An, Tiền Giang đưa vào sử dụng năm 2010 cho 4 làn xe lưu thông, đến nay, lượng xe lưu thông tăng rất cao, lên đến trên 51.000 lượt xe/ngày, vượt quá công suất thiết kế.

Do quá tải nên tuyến cao tốc này dù được thiết kế tốc độ tối đa 100 km/h, nhưng hiện xe chỉ chạy được tốc độ trung bình 60 – 70 km/h.

Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm mở rộng cao tốc từ 4 làn xe lên 8 làn và 2 làn dừng khẩn cấp, giúp xe có thể chạy với vận tốc 120 km/h.

Dự án được đề xuất tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư năm 2024. Dự án khởi công năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2027.

Dự kiến, việc mở rộng tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương sẽ thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), giao một địa phương có cao tốc đi qua chủ trì thực hiện.

Nối dài đường Võ Văn Kiệt

Đường Võ Văn Kiệt sẽ kéo dài thêm khoảng 5 km, chạy đến khu vực Khu công nghiệp Hải Sơn – Tân Đô ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Trong đó, đoạn TPHCM đầu tư mới tuyến đường dài 12,5 km, chiều rộng 40 m cho 6 làn xe với kinh phí đầu tư khoảng 3.300 tỉ đồng. Riêng đoạn tỉnh Long An đã đầu tư quy mô 6 làn xe.

Dự án được Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025. Công trình khi hoàn thành giúp giảm tải cho trục chính Trần Văn Giàu – tỉnh lộ 10 kết nối từ Bình Chánh qua huyện Đức Hòa.

Đồng thời, việc kéo dài tuyến đường Võ Văn Kiệt, tạo thuận lợi cho nhu cầu chở hàng hóa từ các khu công nghiệp Long An đến Vành đai 3, các cụm cảng, công nghiệp… ở TPHCM.

Bình luận