Trưa 14.7, tâm áp thấp nhiệt đới đang vượt qua phía bắc đảo Luzon của Philippines đề vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão vào trưa 15.7.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hồi 13 giờ ngày 14.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ vĩ bắc; 120,7 độ kinh đông, trên khu vực phía bắc đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 – 49km/giờ), giật cấp 8.
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, với vận tốc 10 – 15 km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão vào trưa 15.7. Vị trí tâm bão trên khu vực phía bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), khoảng 880 km về phía đông đông nam.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh gây mưa lớn ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, tính đến 13 giờ ngày 14.7 đã ghi nhận lượng mưa ở mức cao trên nhiều địa phương. Cụ thể, trong 24 giờ qua, lượng mưa tại Dĩ An (Bình Dương) lên tới 72,4mm, Tân Uyên (Bình Dương) 60,6mm, Túc Trưng (Đồng Nai) 56mm, Hóc Môn (TP.HCM) 102,4mm… Dự báo từ chiều tối 14 – 16.7, khu vực Nam bộ có mưa nhiều nơi, có nơi mưa to đến rất to. Đặc biệt khu vực Bán đảo Cà Mau nhiều nơi lượng mưa trên 100mm.
Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, đợt mưa lớn diện rộng trên khu vực Nam bộ có thể kéo dài đến cuối tháng 7. Nguyên nhân do nhiều khả năng xuất hiện 2 cơn bão liên tiếp trên Biển Đông. Bên cạnh đó, trên vịnh Bengal (Ấn Độ Dương) cũng đang xuất hiện vùng áp thấp có thể hình thành bão, là điều kiện giữ cho gió mùa tây nam hoạt động mạnh – nguyên nhân gây mưa lớn diện rộng ở Nam bộ. Thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân nên theo dõi thông tin cập nhật để nắm bắt và chủ động ứng phó với thời tiết xấu.
Nguồn : https://thanhnien.vn/ap-thap-nhiet-doi-sap-vao-bien-dong-dang-manh-len-thanh-bao-185230714161442627.htm#