Đồng Nai là tỉnh đông công nhân lao động, trong đó đa phần người lao động sinh sống trong các khu nhà trọ. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà còn chậm, số người lao động được thụ hưởng chưa nhiều. Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đợi làm hỗ trợ “gộp” 2-3 tháng và do nhân sự thiếu dẫn tới quá tải.
Công nhân mong chờ nhận được hỗ trợ từng ngày
Theo thống kê, Đồng Nai có gần 1,3 triệu lao động, riêng các khu công nghiệp có hơn 614.000 người lao động. Trong số đó đa phần công nhân phải thuê nhà trọ để ở. Do đó, công nhân đang rất mong chờ nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cũng như hỗ trợ để người lao động quay trở lại thị trường lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp người lao động có kinh phí chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà, giúp họ giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và góp phần ổn định nguồn lực lao động của tỉnh Đồng Nai.
Tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hoà) có khoảng 17.000 công nhân, đại diện công đoàn cho biết, công nhân của Pouchen đa số đã lớn tuổi, gắn bó với công ty trên 15 năm chiếm đến 50% nên công ty cũng mong muốn các chính sách sớm đến được với họ để san sẻ phần nào gánh nặng trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Công nhân Công ty TNHH Pouchen VN, TP.Biên Hòa cho biết, từ đợt dịch COVID-19 đến nay, kinh tế gia đình chị vẫn chưa hồi phục lại được do tình hình giá cả, vật giá leo thang chóng mặt. Do đó, chị Ngọc mong muốn sớm nhận được hỗ trợ từ Quyết định số 08 của Chính phủ để giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tương tự, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) là doanh nghiệp có khoảng 25.000 công nhân và có số lượng lớn công nhân đang sinh sống trong các khu nhà trọ. Ông Lê Nhật Trường – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam – cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần. Công nhân lao động rất cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để họ gắn bó với công việc. Do đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân ở trọ rất thiết thực với người lao động giúp đời sống họ bớt khó khăn. Còn theo Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hwaseung vina (huyện Nhơn Trạch), để công nhân sớm nhận được hỗ trợ, Công đoàn đã phối hợp công ty thống kê, lập danh sách đề xuất và chuyển gần 5.000 hồ sơ cho Phòng LĐTBXH huyện Nhơn Trạch phê duyệt.
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, trong đợt dịch vừa qua, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, khó khăn nhất là lực lượng công nhân, nhất là công nhân đang ở trọ. Vì vậy, chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ phần nào khó khăn cho người lao động khi quay trở lại với công việc. Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động ở trọ và trở lại thị trường lao động với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/người/tháng (mức hỗ trợ tối đa 3 tháng). Đặc biệt, kinh phí sẽ được chuyển đến doanh nghiệp để chuyển tới người lao động. Khi doanh nghiệp thực hiện chi trả cho người lao động phải niêm yết, công khai danh sách tại đơn vị.
Sở LĐTBXH “kêu” quá tải, đề nghị bổ sung thêm người
Thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, tính đến ngày 1.7, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 463 doanh nghiệp với 45.563 lao động. Tổng số tiền hỗ trợ là 67,437 tỉ đồng.
Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách – lao động, Sở LĐTBXH cho biết: Hiện nay khó khăn ở chỗ, doanh nghiệp có thể yêu cầu hỗ trợ “gộp” 2 tháng hoặc 3 tháng. Do vậy, có tình trạng các doanh nghiệp đợi hết tháng 5 và tháng 6 mới làm hồ sơ hỗ trợ “gộp” cho toàn bộ NLĐ trong 1 lần (gộp từ 2-3 tháng). Do vậy, quá trình nộp hồ sơ, các doanh nghiệp chờ đến khi NLĐ đủ thời gian hưởng 3 tháng để làm hồ sơ một lần.
Cũng theo ông Thái, tính đến nay, khối lượng hồ sơ gửi về các huyện tương đối lớn. Trong khi đó, biên chế ở một phòng LĐTBXH của một huyện chỉ có khoảng 10-12 cán bộ, nhưng phải bao hết các lĩnh vực liên quan tới ngành, việc thực hiện chính sách cho doanh nghiệp thì chỉ có 1 cán bộ phụ trách. Do đó, trong một thời điểm, các doanh nghiệp gửi hồ sơ về ồ ạt gây sự quá tải ở các phòng LĐTBXH các huyện và thành phố. “Về vấn đề này, Sở LĐTBXH đã ghi nhận khó khăn của các địa phương và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo UBND các cấp huyện, thành phố. Trong đó, có một nội dung tăng cường nhân sự hỗ trợ cho Phòng chuyên môn trong chính sách hỗ trợ NLĐ thuê nhà trọ để xử lý kịp thời hồ sơ mà doanh nghiệp chuyển về” – ông Thái nói.
Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ, đang đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động.