Nguồn hạt tiêu trong dân gần như đã hết nên lượng hàng bán ra rất ít, đẩy giá hạt tiêu tại thị trường nội địa lên mức cao.
Đầu tuần, giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên đang được thu mua trong khoảng 85.000 – 87.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai và Đồng Nai có mức thấp nhất là 85.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá cao nhất là 87.000 đồng/kg.
Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh 44,2%
Xu hướng tăng giá diễn ra trong cả tháng 10/2021 nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh. Tuần cuối tháng 10/2021, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa ở mức 88.500 đồng/kg, tăng 8.500 đồng/kg; hạt tiêu trắng ở mức 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2021.
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu 10 tháng đầu năm đạt 783 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, … sau khi các nước này kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế đã được mở cửa trở lại nên cao su, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm.
Báo cáo từ Cục xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cũng ghi nhận, giá xuất khẩu hạt tiêu tăng nhanh và mạnh những tháng đầu năm nay khiến cho một số nước có xu hướng chuyển sang nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil.
Quý 3/2021, giá hạt tiêu xuất khẩu tại hầu hết các nước sản xuất lớn trên thế giới đều tăng do nguồn cung khan hiếm và hoạt động vận chuyển gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng dịp cuối năm cũng tác động tích cực lên giá hạt tiêu.
Tại cảng khu vực TP.HCM, ngày 29/10/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l đều tăng 200 USD/tấn so với ngày 30/9/2021, lên mức 4.390 USD/tấn và 4.490 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, do ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng COVID-19 lần thứ 4, xuất khẩu hạt tiêu quý 3/2021 giảm 36,5% về lượng và 30,1% về trị giá so với quý 2/20221, nhưng tăng 10,7% về lượng và tăng 66,9% về trị giá so với quý 3/2020.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu đạt 213 nghìn tấn, trị giá 719,16 triệu USD, giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 47% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tăng dịp cuối năm nhờ nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài tăng, giá giữ ở mức cao.
Khai thác tốt thị trường Anh nhờ hiệp định EVFTA
Những tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu của hầu hết các nước có dung lượng thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tốc độ nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung. Bù lại, ngành hạt tiêu Việt Nam cũng đã khai thác tốt các thị trường Đức, Nga, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc. Cụ thể:
Tại Anh, dung lượng nhập khẩu hạt tiêu của thị trường này vẫn ở mức cao và tương đối ổn định. Đây được xem là thị trường tiềm năng lớn đối với các nhà xuất khẩu trên thế giới, mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Anh có xu hướng tăng.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Anh trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 41,65 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Anh từ Việt Nam đạt xấp xỉ 16 triệu USD, tăng 43,9%. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Anh tăng từ 29,1% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 38,36% trong 8 tháng đầu năm 2021.
Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Anh tăng cao, và lợi thế từ Hiệp định UKVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành hạt tiêu trong nước gia tăng giá trị và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh.
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của nước này được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt. Nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra trong dịp cuối năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 41 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng gần 11%, đạt 12,52 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của nước này tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Giá tiêu xuất khẩu sẽ còn tốt đến cuối năm?
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, xuất khẩu hồ tiêu trong tăng mạnh về giá trị chủ yếu là do yếu tố cung cầu, vì thị trường hiện nay nhu cầu đang tăng. Khi cầu tăng thì cung phải đáp ứng nên giá thành có như thế nào thì bên mua cũng phải chấp nhận.
“Năm 2014, là năm cực thịnh của hồ tiêu Việt Nam, giá xuất khẩu quanh mức 10.000 USD/tấn, còn giá nội địa trên dưới 230.000 đồng/kg, khi đó không chỉ nông dân Việt Nam mà nông tại các nước có diện tích trồng hồ tiêu lớn như Brazil, Indonesia, Campuchia đều mở rộng diện tích.
Đến năm 2017, diện tích trồng mới bắt đầu thu hoạch, nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu có hạn kéo giá tiêu xuất khẩu xuống thấp, đến cuối năm 2020 giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã chạm đáy khoảng trên 2.000 USD/tấn, giá tiêu nội địa trên dưới 40.000 đồng/kg.
Cuối năm 2020 và đầu năm 2021 giá tiêu bắt đầu khởi sắc từ tháng 3/2021 đến nay và đang xuất khẩu quanh mức 4.490 USD/ tấn. Dự báo, giá tiêu xuất khẩu sẽ còn tốt đến cuối năm nhưng kỳ vọng tăng như thời gian trước là rất khó”, Chủ tịch VPA nhận định.
Theo Hiệp hội hạt tiêu thế giới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm trong năm 2021 phần lớn do sản lượng của Việt Nam giảm 8%, trong khi sản lượng của Brazil giữ ổn định, sản lượng của Indonesia tăng 3%. Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.