Từ nay đến năm 2030, diện tích tự nhiên của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai sẽ được điều chỉnh tăng thêm gần 100%, từ 2.048 ha lên 4.095 ha. Tỉnh Đồng Nai cũng phấn đấu đến năm 2030 sẽ thành lập thành phố Nhơn Trạch.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; trong đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu thành lập thành phố Nhơn Trạch vào năm 2030.
MỘT ĐÔ THỊ VỆ TINH ĐÔNG SÀI GÒN 10 NĂM CHƯA THÀNH HÌNH
Từ năm 2009, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2009 xây dựng thành phố Nhơn Trạch đạt các tiêu chí của một đô thị loại II vào năm 2020.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay hình hài của một thành phố mới, từng được kỳ vọng là đô thị vệ tinh phía Đông của TP.HCM (Đô thị Đông Sài Gòn) vẫn chưa thành hình. Một trong những hạn chế là công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai; chưa có bước đột phá trong phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh thấp,…
Mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 09 đặt ra là đến năm 2025, Nhơn Trạch phải phấn đấu đạt các tiêu chí của đô thị loại III. Song song, phần đấu thành lập thành phố Nhơn Trạch và đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại II vào năm 2030. Về định hướng phát triển, với những lợi thế về vị trí cũng như nền tảng phát triển công nghiệp, Nhơn Trạch cũng được định hướng phát triển thành đô thị công nghiệp – thành phố cảng trong tương lai.
Tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và 9 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú. Toàn tỉnh có 29 phường, 6 thị trấn và 136 xã.
Huyện Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp thuộc hàng đầu của tỉnh. Với ba khu công nghiệp lúc khởi đầu vào năm 1997, đến nay sau hơn 25 năm, huyện Nhơn Trạch đã có tổng cộng 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Ngoài phát triển công nghiệp, cảng biển là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế. Trong số ba khu bến cảng biển trên địa bàn Đồng Nai, Nhơn Trạch có đến hai khu bến cảng biển. Huyện Nhơn Trạch cũng là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
Việc định hướng phát triển Nhơn Trạch thành đô thị công nghiệp – thành phố cảng, theo Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ là phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương.
NHƠN TRẠCH VỚI LỢI THẾ BA MẶT GIÁP SÔNG
Huyện Nhơn Trạch sở hữu “vị trí vàng” với ba mặt giáp sông (sông Sài Gòn) đồng thời nằm ngay trung tâm khu tam giác kinh tế TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển huyện Nhơn Trạch thành đô thị công nghiệp – thành phố cảng và thành lập thành phố Nhơn Trạch vào năm 2030, đòi hỏi một nguồn lực đầu tư rất lớn.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, chỉ tính riêng việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông của huyện để kết nối với các trục giao thông chính do ngân sách trung ương đầu tư trên địa bàn đến năm 2025 cũng cần đến nguồn vốn hơn 10.000 tỷ đồng.
Song song đó, với nhu cầu phát triển về nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ để thu hút người dân về sinh sống, nguồn vốn đầu tư mà Nhơn Trạch cần trong thời gian tới còn lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, theo Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, việc tính toán, đa dạng hoá nguồn lực thực hiện là yếu tố quyết định hàng đầu
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch cho biết, hiện nay huyện cũng đang rà soát, thống kê danh mục các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới để tính toán nguồn lực thực hiện. Cùng với việc kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm nguồn lực, huyện cũng đang tính toán đến việc huy động thêm các nguồn lực khác để đáp ứng nhu cầu.
Đồng Nai là một trong bốn địa phương dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua, cùng với TP.HCM, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài gần 90 km. Trong đó, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km; gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM.
Ngày 24/9/2022, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM chính thức khởi công xây dựng, là một trong những dự án giao thông quan trọng kết nối huyện Nhơn Trạch với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM.
Ngoài ra, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác như sân bay quốc tế Long Thành, cảng Phước An, cầu Phước An, cao tốc Bến Lức – Long Thành và đặc biệt dự án đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến sẽ khởi công vào cuối quý II/2023, sẽ tạo động lực phát triển Nhơn Trạch.
Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch mới đây đã công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Cụ thể, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp của huyện giảm từ 22.933 ha xuống còn 16.834 ha và chiếm cơ cấu 44,68%; đất phi nông nghiệp tăng từ 14.744 ha lên 20.843 ha và chiếm cơ cấu 55,32%.
Riêng diện tích đất ở của Nhơn Trạch thuộc đất phi nông nghiệp được quy hoạch từ 2.048 ha lên 4.095 ha, tăng 100% so với năm 2020. Trong đó, diện tích đất ở nông thôn tăng từ 1.817 ha lên 3.836 ha, đất ở đô thị tăng từ 231 ha lên 259 ha.
Huyện Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp thuộc hàng đầu của tỉnh. Với ba khu công nghiệp lúc khởi đầu vào năm 1997, đến nay sau hơn 25 năm, huyện Nhơn Trạch đã có tổng cộng 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Ngoài phát triển công nghiệp, cảng biển là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế. Trong số ba khu bến cảng biển trên địa bàn Đồng Nai, Nhơn Trạch có đến hai khu bến cảng biển. Huyện Nhơn Trạch cũng là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.