Tỉnh Đồng Nai mong muốn sớm thống nhất phương án chọn vị trí xây dựng cầu Cát Lái nhưng sở GTVT TP.HCM lại đề xuất xây dựng sau năm 2030.
Hơn 20 năm trước, dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP Thủ Đức (TP.HCM) đã được quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, thời điểm triển khai dự án vẫn chưa được 2 tỉnh được phương án xây dựng.
Đồng Nai muốn xây cầu Cát Lái
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cầu Cát Lái là dự án kết nối hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai. Dự án có vai trò kết nối giao thông quan trọng khi sân bay Long Thành đưa vào hoạt động, kết nối với đường tỉnh 25C sang TP.HCM thuận lợi.
Đến tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì xây dựng cầu Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các sở, ngành tiến hành công tác khảo sát, lập các phương án để thống nhất với TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng các phương án vị trí cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai và đã làm việc với UBND TP.HCM.
Trong đó, phương án hướng tuyến 1, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, cầu Cát Lái có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy nằm trên đường Nguyễn Thị Định. Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía huyện Nhơn Trạch cắt qua đường quy hoạch 25C và kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Với phương án tuyến 2, cầu Cát Lái có điểm đầu tại nút giao với đường vành đai 2 – Võ Chí Công vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch cắt qua đường quy hoạch 25C và kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Với phương án tuyến 3 và 4 điểm đầu của cầu Cát Lái sẽ nằm trên địa bàn huyện Nhà Bè, quận 7 (TP.HCM) vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) rồi kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại cuối dự án.
Đã họp về các phương án xây cầu
Ngày 29-12-2022, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đã chủ trì cuộc họp về các phương án quy hoạch cầu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai. Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan chức năng chuyên môn của hai tỉnh và đơn vị liên quan.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các thành viên dự họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có kết luận cuộc họp với các nội dung:
Cụ thể, về các phương án xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì sở GTVT TP.HCM đề xuất lộ trình đầu tư xây dựng sau năm 2030. Cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau khi đường vành đai 3 – TP.HCM và đường Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – vành đai 3 – TP.HCM hoàn thành, đưa vào khai thác. Đồng thời, quy hoạch này phù hợp với kế hoạch, lộ trình di dời, sắp xếp các cảng biển.
Về quy mô cầu Cát Lái, ban đầu dự kiến xây dựng quy mô 8 làn xe (trong đó bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp) nhưng Sở GTVT TP.HCM đề xuất điều chỉnh quy mô 6 làn xe.
Về lý do điều chỉnh, các cơ quan chức năng TP.HCM cho rằng, với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch sẽ phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77 m, ảnh hưởng đến tình hình sử dụng đất hai bên tuyến đường. Do đó, phương án đề xuất 6 làn xe sẽ giảm thiểu việc điều chỉnh quy hoạch đường Nguyễn Thị Định.
Còn về vị trí xây dựng cầu Cái Lái, Sở GTVT TP.HCM đưa ra các phương án cầu kết nối TP Thủ Đức (quận 9 cũ, TP.HCM) với xã Tam An (huyện Long Thành, Đồng Nai) với hướng tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 (thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) kết nối với ĐT.777B theo kiến nghị của tỉnh Đồng Nai với quy mô đề xuất 6 làn Xe.
Một phương án khác là cầu kết nối khu nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) theo hướng tuyến từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt (sáu làn Xe) và kết nối 2 làn xe vào đường Đào Trí, tiếp tục đi theo đường Hoàng Quốc Việt kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng, sau đó vào đường Nguyễn Hữu Thọ.
Xem thêm:
Nguồn PLO