Ngày 28.8, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Hoàng Văn Mậu – Tổng Giám đốc Công ty CP BT20 Cửu Long – cho biết, dự án nút giao ngã tư Dầu Giây sẽ thông xe trước lễ 2.9.
“Hiện chúng tôi đang xử lý khe co giãn trên cầu, dự kiến ngày mai sẽ xong. Trước đây, khe con giãn được lắp đặt tạm để thông xe tạm, bây giờ tiến hành lắp lại chính thức” – ông Mậu cho biết.
Theo ông Mậu, đối với các hạng mục khác cũng đã cơ bản hoàn thành, các nhà thầu đang tiến hành thi công dặm lại bãi cỏ, đường đi bộ…
Ngoài hạng mục chính xây dựng cầu vượt Dầu Giây, dự án nút giao ngã tư Dầu Giây còn thực hiện thi công mở rộng phần nút giao cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20; mở rộng một đoạn quốc lộ 20 dài khoảng 1,5km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP.Đà Lạt… Nút giao thông ngã tư Dầu Giây kết nối QL20 – QL1, đoạn qua Đồng Nai thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn km0+00 – km123+105,17.
Tổng mức đầu tư là gần 299 tỉ đồng, từ nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Dầu Giây – Bảo Lộc.
Trước đó, vào đầu tháng 3.2022, cầu vượt ngã tư Dầu Giây đã được cho phép lưu thông tạm, góp phần giảm nguy cơ tai nạn giao thông tại “điểm đen” giao thông kết nối hai tuyến QL1 và QL20.
Ngã tư Dầu Giây là nút giao thông quan trọng trên QL1, dẫn xe từ TPHCM ra các tỉnh phía Bắc và lên Đà Lạt. Điểm giao thông này cũng kết nối cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cách đó khoảng 1,5 km.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ Quốc khánh 2.9.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Công ty Cổ phần BT20 – Cửu Long, theo chức năng quản lý sớm khắc phục các bất cập về hạ tầng giao thông, điều chỉnh phương án tổ chức phân luồng giao thông tại các nút giao có tình hình giao thông phức tạp, hoặc thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông nhằm đảm bảo cho người và các phương tiện lưu thông được an toàn và thuận lợi.
Đặc biệt, sớm khắc phục các tồn tại và bất cập về hạ tầng giao thông sau khi cầu vượt Dầu Giây đưa vào khai thác, thuộc phạm vi dự án nút giao cầu vượt Dầu Giây.