Chị Hà mua căn biệt thự 12 tỷ đồng tại Đồng Nai do Novaland làm chủ đầu tư, có khoản vay 5 tỷ được hỗ trợ lãi suất 9% một năm, nay hoang mang khi bị dừng gói ưu đãi này.
Là một trong những khách hàng chịu ảnh hưởng, chị Hà cho biết mua căn biệt thự thuộc dự án Aqua City tại Biên Hòa, Đồng Nai hồi cuối năm 2021, hiện thanh toán gần 3 tỷ đồng tiền mặt và có hợp đồng tín dụng gần 5 tỷ đồng, ngân hàng giải ngân theo tiến độ. Nữ khách hàng này cho hay đã mua căn biệt thự vì chính sách thanh toán “dễ thở” do được chủ đầu tư cam kết hỗ trợ lãi suất 9% một năm trong vòng 24 tháng, tức chị chỉ đóng phần lãi suất chênh lệch rất thấp.
Đầu năm 2023, Novaland bất ngờ thông báo dừng việc hỗ trợ lãi suất này khiến chị Hà chới với. Chị cho hay rất lo lắng khi chủ đầu tư nói khách hàng tự trả lãi trước, đến khi bàn giao nhà hoặc giao sổ hồng, doanh nghiệp sẽ hoàn lại số lãi này. Nhưng cái khó là căn biệt thự gia đình chị mua đã bị chủ đầu tư dừng xây dựng từ tháng 12/2022 và chưa thấy tiến triển nào đến tháng 2. “Nếu bây giờ tôi đồng ý với phương án của chủ đầu tư đưa ra, biết đến bao giờ mới được nhận tiền hoàn lại khi dự án đình trệ. Hiện tôi cũng không đủ dòng tiền để trả lãi”, chị Hà nói.
Chị cho biết đã vài lần làm việc với đại diện Novaland và ngân hàng nhưng chỉ dừng ở mức ghi nhận ý kiến và chưa có hướng xử lý. “Tôi rất muốn thanh lý hợp đồng lấy tiền về dù biết sẽ bị khoản phạt nặng nhưng ngặt nỗi chủ đầu tư nói không còn tiền trả. Giờ chào bán giảm giá cũng khó có khách mua vì thanh khoản thị trường thấp, trong khi nợ xấu ngân hàng treo lơ lửng. Việc dừng hỗ trợ lãi suất đẩy tôi vào tình thế bế tắc”, chị Hà giải bày.
Rơi vào tình thế khó khăn hơn, bà Nguyên đang sống tại TP Thủ Đức, cho biết mua biệt thự tại dự án Novaworld Phan Thiết gần 14 tỷ đồng với khoản vay tín dụng 60%, giờ như ngồi trên lửa khi Novaland thông báo dừng hỗ trợ lãi suất từ tháng 2. Bà Nguyên cho rằng từng rất yên tâm mua nhà vì với lãi suất 12% một năm, chủ đầu tư cam kết hỗ trợ lãi suất trong 2 năm, bà chỉ trả khoản chênh lệch 2-3%.
Tuy nhiên chính điều từng hút bà mua tài sản này giờ thành tử huyệt. Vì khi Novaland dừng hỗ trợ lãi suất, bà phải tự xử lý khoản lãi lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng. “Tôi không thu xếp được dòng tiền để trả lãi, đang phân vân giữa việc thanh lý hợp đồng, sẽ phải chịu phạt tiền tỷ hay phải cân nhắc chuyển đổi sản phẩm khác giá thấp hơn để giảm gánh nặng tài chính”, bà Nguyên nói.
Một số khách hàng khác nhìn nhận thời điểm khó khăn hiện nay, thanh lý đòi lại tiền không khả thi do chủ đầu tư không còn tiền mặt, nên đàm phán với Novaland đảm bảo hoàn tiền lãi bằng phương án cụ thể hoặc có chính sách giảm giá phù hợp có thể cân nhắc đồng hành.
Ông Quang, một khách hàng mua biệt thự dự án của Novaland tại Phan Thiết có khoản vay và tiền mặt đã đóng tổng cộng 10 tỷ đồng, cho biết đã làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng hai lần để tìm giải pháp khả thi. Ông xác nhận sẽ theo tiếp dự án với điều kiện chủ đầu tư chứng minh bằng thực tiễn việc hoàn thiện dự án, ra pháp lý cho sản phẩm hoàn chỉnh và có phương án hoàn lãi khả thi.
Đại diện Novaland xác nhận đã thay đổi hình thức tài trợ ưu đãi lãi suất đối với hàng loạt khách hàng mua bất động sản của doanh nghiệp có vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất. Việc dừng này được áp dụng ở hầu hết dự án đang chào bán có khách hàng chọn phương án ưu đãi lãi vay.
Cụ thể, từ tháng 2, công ty đề xuất thay đổi hình thức chi trả bằng việc khách hàng tự thanh toán lãi vay ngân hàng các đợt còn lại hoặc tất toán khoản vay bằng vốn tự có trong thời gian hỗ trợ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền lãi vay mà khách hàng thanh toán cộng chi trả thêm tiền lãi theo lãi suất 12% một năm trên số tiền khách hàng tự thanh toán với ngân hàng. Số tiền này sẽ được công ty chi trả cấn trừ vào các đợt thanh toán đến hạn của khách hàng, ví dụ như vào đợt nhận bàn giao nhà hoặc đợt nhận giấy chứng nhận.
Nguyên nhân dừng hỗ trợ lãi suất, theo Novaland vì từ giữa năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước có những biến động lớn, gây ảnh hưởng và tác động nhiều mặt thị trường bất động sản. Lạm phát, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng cũng đã ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp, và Novaland cũng không ngoại lệ.
Theo doanh nghiệp này, giải pháp tình thế dừng hỗ trợ lãi suất và hoàn lãi sau là một trong những nỗ lực của công ty nhằm đảm bảo sự đồng hành dài hạn với khách hàng trong bức tranh tổng thể nhiều khó khăn hiện nay. Công ty cũng hứa có lộ trình hoàn thiện xây dựng và bàn giao sản phẩm đến khách hàng theo từng giai đoạn.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy hợp đồng tín dụng của khách hàng mua nhà thuộc dự án do Novaland làm chủ đầu tư được ký với các ngân hàng như VP Bank, TP Bank, MB Bank. Đa số khách vay đều đã làm việc với các nhà băng này khi Novaland thông báo dừng hỗ trợ lãi suất.
Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán đang cho khách vay mua dự án của Novaland cho biết nhà băng đã có chính sách giảm lãi suất 2% nếu khách hàng chấp nhận phương án Novaland đưa ra. Trong khi đó, VPBank, TPBank hiện chưa có thông tin gì về chính sách hỗ trợ các khách hàng này.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân có gần 20 năm kinh nghiệm tại thị trường TP HCM, phân tích hỗ trợ lãi suất, ưu đãi lãi vay, ân hạn nợ gốc là con dao hai lưỡi, nếu lạm dụng, đây sẽ là những cái bẫy đối với khách hàng tiền ít, muốn vay nhiều để mua bất động sản giá trị lớn.
Bà Anh nhìn nhận, các cam kết của chủ đầu tư đối với người mua nhà khi bán bất động sản hình thành trong tương lai luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra rủi ro nếu chính sách pháp lý thay đổi hoặc thị trường địa ốc biến động theo chiều hướng xấu. Mặt khác, các điều khoản phạt đơn phương chấm dứt hợp đồng thường lên đến 20-30% tổng giá trị tài sản thậm chí cao hơn, có thể khiến người mua tổn thất nặng nề nếu dừng việc mua bán, đặt cọc giữa chừng; dù đóng tiền theo tiếp cũng đầy rủi ro.
“Bài học cho người mua nhà trên giấy và cho cả giới đầu tư trong trường hợp này là nên thận trọng lượng sức trước khi nhập cuộc chơi ưu đãi, hỗ trợ lãi suất và đừng sử dụng tỷ trọng đòn bẩy tài chính quá lớn. Bởi lẽ thoạt đầu ai cũng tưởng vay càng nhiều thì càng được lợi, song thực tế rủi ro càng lớn”, bà Anh khuyến nghị.