Đồng Nai TV
Đồng Nai TV : Chuyên trang cập nhật tin tức, hình ảnh, clip nóng mới nhất nhanh nhất về tỉnh Đồng Nai, giải trí, du lịch, nhà đất, mới nhất 2020

Xây dựng cầu Cát Lái nối Đồng Nai và TP HCM: Bao giờ?

Các chuyên gia cho rằng cần sớm triển khai dự án xây dựng cầu Cát Lái vì thời gian càng kéo dài, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng sẽ càng tăng.Bên cạnh đó, những thông tin về dự án này cần hết sức thận trọng để tránh gây sốt đất ảo.

Phương án khả thi

Năm 2016, TP HCM kiến nghị Chính phủ bổ sung cầu Cát Lái vào quy hoạch giao thông vận tải nhằm thay phà Cát Lái, nối TP HCM – Đồng Nai. Năm 2018, Đồng Nai và TP HCM họp bàn về dự án xây cầu Cát Lái, hai bên đã thống nhất Đồng Nai sẽ là đơn vị chủ trì trong việc đầu tư, xây dựng cầu Cát Lái. Sau đó Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì xây dựng cây cầu quan trọng này.

Mới đây, trong 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái mà đơn vị tư vấn đưa ra, Sở GTVT TP HCM cho rằng, phương án thứ 4: xây cầu kết nối từ quận 7, vượt sông để qua Đồng Nai là hợp lý nhất, thay vì xây dựng ở khu vực gần cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, như dự tính trước đó.

Theo Sở GTVT TP HCM, với việc xây dựng cầu ở khu vực gần cảng Cát Lái sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, khó bảo đảm tính khả thi như phải điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77m, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Chưa kể, quá trình thi công sẽ gây ùn tắc giao thông trên tuyến, tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái.

Trong khi đó, theo phương án 4 mà Sở GTVT TP HCM nhận định có nhiều ưu điểm. Công trình có điểm đầu trên đường trục Bắc – Nam TP HCM rồi đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi đi trùng đường quy hoạch để kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tổng chiều dài dự án hơn 13 km, trong đó chiều dài cầu hơn 3,5 km.

Sở GTVT TP HCM cho rằng, đây là phương án khả thi nhất, có nhiều ưu điểm. Tuyến này sẽ tạo thành mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm TP HCM, khu vực biển Cần Giờ thông qua tuyến đường sắt đô thị 4. Ngoài ra, tuyến còn cắt các tuyến đường hướng tâm như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng để đi qua Nhơn Trạch, sân bay Long Thành và ngược lại. Đồng thời, phù hợp với định hướng xây dựng tuyến kết nối với đường Nguyễn Hữu Thọ, vượt sông Sài Gòn đi dọc đường tỉnh 25C.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM cho rằng phương án này khả thi khi nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch liên quan, đồng thời một phần đường dẫn phía TP HCM đi qua khu đất trống nên dễ giải phóng mặt bằng.

Cần sớm triển khai

Nhận xét về dự án xây dựng cầu Cát Lái, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đây là dự án rất quan trọng cho sự phát triển của TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Theo đó, dự án sẽ kết nối với các tuyến cao tốc phía Đông TP HCM. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế biển, kết nối cảng Cát Lái với hai nhánh biển là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Hiệp Phước.

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận cầu xây ở khu vực gần cảng Cát Lái kết nối Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có hiệu quả nhanh vì hạ tầng đã sẵn sàng, còn phía quận 7 thời gian sẽ dài hơn do cần chờ đầu tư công trình đồng bộ. Do đó, dù phương án 1,2,3 (xây dựng cầu gần cảng Cát Lái) có nhiều khó khăn nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên triển khai. Đối với phương án 4 và 5 cần tính toán kỹ lưỡng, để kết nối với khu vực nào thực sự cần thiết.

“Dù sẽ có nhiều khó khăn, nhưng TP HCM và Đồng Nai cần sớm triển khai dự án vì thời gian càng kéo dài, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng sẽ càng tăng”- KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, cầu Cát Lái dù xây dựng ở Thủ Đức hay quận 7 thì đều giúp giảm tải lưu lượng hành khách, hàng hóa cho các tuyến giao thông hiện hữu ở TP HCM và khu vực. Điều quan trọng là cần phải tính toán lại bài toán ngân sách, quy hoạch và mức độ ưu tiên giữa hai khu vực này để quyết định đầu tư phù hợp.

Tránh gây sốt đất ảo

Theo các chuyên gia về lĩnh vực bất động sản, dự án cầu Cát Lái luôn có tác động đến giá đất khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai. Thực tế cho thấy giá đất ở đây thường xuyên chịu tác động bởi những thông tin, dự án về cơ sở hạ tầng liên quan và đặc biệt là thông tin về dự án cầu Cát Lái.

Đánh giá về vấn đề này, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, giá đất tại nhiều khu vực đã tăng vọt bởi các dự án hạ tầng, giao thông như cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành và Vành đai 3. Từ những bài học trên, TS Khương cho rằng những thông tin về dự án cầu Cát Lái cần hết sức thận trọng để tránh gây sốt đất ảo.

“Hiện nay các thông tin chỉ là phương án đề xuất và nếu được chấp thuận cũng cần thời gian dài để xây dựng hoàn thành. Do đó, nếu đầu tư bất động sản cần có tầm nhìn dài hạn và lựa chọn đúng vị trí”, TS Khương nói.

Link Gốc https://ndh.vn/ha-tang/xay-dung-cau-cat-lai-noi-dong-nai-va-tp-hcm-bao-gio-1319634.html
Bình luận