Đồng Nai TV
Đồng Nai TV : Chuyên trang cập nhật tin tức, hình ảnh, clip nóng mới nhất nhanh nhất về tỉnh Đồng Nai, giải trí, du lịch, nhà đất, mới nhất 2020

Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú chưa làm đã tăng vốn 905 tỷ đồng?

Sau khi rà soát, tổng mức đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú tăng khoảng 905 tỷ đồng dù chưa triển khai xây dựng…

Ban QLDA Thăng Long vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả rà soát tổng mức đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.

Theo đó, sau khi cập nhật các yếu tố đầu vào, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 7.717 tỷ đồng, tăng 905 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Bộ GTVT đề xuất trong công văn đề nghị Bộ KH&ĐT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 5/2021.

Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú dài gần 60km là một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (ảnh minh họa)

Trước đó, đầu tháng 5/2021, Ban QLDA Thăng Long có văn bản đề nghị Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1.

Theo đề xuất của Ban QLDA Thăng Long, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú dài khoảng 59,6km. Điểm đầu (Km0) giao với QL1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Điểm cuối tại Km59+594, giao cắt với QL20 tại Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h.

Trong đó, phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.812 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, về cơ bản sau khi rà soát, dự án không thay đổi khối lượng và hạng mục công trình so với hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hồi tháng 5/2021.

Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án tăng 905 tỷ đồng từ 6.812 tỷ đồng lên 7.717 tỷ đồng chủ yếu do biến động của giá nguyên vật liệu. Theo ông Sơn, tổng mức đầu tư của dự án trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ GTVT trước đây được xây dựng theo đơn giá cập nhật tháng 4/2021.

“Thời gian qua, giá nguyên vật liệu liên tục biến động, tăng mạnh. Do đó, chúng tôi đã rà soát và cập nhật lại tổng mức đầu tư theo đơn giá của tháng 8/2021. Đồng thời, Ban QLDA Thăng Long cũng cập nhật lại chi phí duy tu bảo dưỡng và chi phí quản lý, tư vấn”, ông Sơn chia sẻ.

Cụ thể, phần tổng mức đầu tư sau khi rà soát tăng 905 tỷ đồng, gồm: Giá cả nguyên vật liệu tăng 698 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn tăng 83,78 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng 123,4 tỷ đồng; chi phí duy tu, bảo dưỡng vận hành, khai thác tăng 11 tỷ đồng,…

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, Ban QLDA Thăng Long dự kiến sẽ tổ chức công tác lựa chọn nhà đầu tư từ quý IV/2021 – quý I/2022; khởi công công trình vào quý IV/2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I/2025.

Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài khoảng 200km, gồm 3 dự án thành phần: Dầu Giây – Tân Phú (59,6km), Tân Phú – Bảo Lộc (67km) và Bảo Lộc – Liên Khương (73,4km). Trong đó, Ban QLDA Thăng Long được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập dự án đầu tư hai đoạn đầu và cuối tuyến gồm: Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương, còn lại đoạn Tân Phú – Bảo Lộc (nằm giữa), Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Link Gốc https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-cao-toc-dau-giay-tan-phu-chua-lam-da-tang-von-905-ty-dong-d525307.html
Bình luận