Môi giới hẹn dẫn đi xem nhà ở TP.HCM nhưng lên xe thì tư vấn đầu tư đất nền tận Đồng Nai khiến khách hàng sập bẫy.
UBND xã An Viễn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) xác nhận không có dự án khu dân cư nào tại địa bàn do Công ty TNHH Đầu tư môi giới Bất động sản Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) làm chủ đầu tư.
Hẹn xem nhà ở TP.HCM… đưa xuống Đồng Nai bán đất ảo
Ngày 29/3, bà Đ.Tr.M.N (ngụ Gò Vấp, TP.HCM), cho biết đến nay đã nhiều lần liên hệ với công ty bất động sản Vạn Phúc yêu cầu trả tiền lại nhưng công ty này vẫn tìm cách thoái thác.
Theo lời bà M.N. kể lại, do có nhu cầu mua nhà, bà được một người tên Ngọc Diệp tự xưng là nhân viên của Công ty TNHH Đầu tư môi giới Bất động sản Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) hẹn dẫn đi xem 4 căn nhà ở quận Gò Vấp. 7h ngày 18/11/2021, bà Diệp có mặt tại quận Gò Vấp để dẫn bà đi xem nhà. Tuy nhiên, sau khi lên ô tô, xe lại chạy đến khu vực huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
“Trong quá trình di chuyển, các nhân viên trên xe liên tục tư vấn việc mua bán đất nền, những khoản tiền lời từ việc mua bán này. Họ tư vấn rằng hồ sơ pháp lý của dự án rất đầy đủ. Có một nhân viên tên Thúy còn thúc giục tôi mua, nếu không có tiền sẽ cho mượn 50 triệu đồng để đóng giữ chỗ”, bà N. kể lại.
Do tin tưởng vào lời giới thiệu nên cùng ngày, bà N. ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Vạn Phúc để chuyển nhượng lô đất ký hiệu A18, diện tích 97,6m2 tại xã An Viễn. Bà đã thanh toán số tiền 720 triệu đồng cho Công ty Vạn Phúc.
Chưa dừng lại ở đó, bà còn đóng thêm 100 triệu đồng để giữ chỗ lô đất khác có ký hiệu A17. Ba ngày sau (ngày 22/11/2021), bà tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng lô đất ký hiệu A17 với Công ty Vạn Phúc và thanh toán số tiền 620 triệu đồng.
“Tổng số tiền tôi đóng để nhận chuyển nhượng 2 lô đất này là 1,440 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó tôi phát hiện Công ty Vạn Phúc có hành vi lừa dối, vi phạm pháp luật trong việc thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng và nhận tiền đặt cọc với tôi nhằm mục đích chiếm đoạt phần tiền mà tôi đã thanh toán. Tôi đã liên hệ công ty để đòi lại tiền nhưng không được”, bà N. nói.
Bà N. cho biết thêm, trong quá trình làm việc với Công ty Vạn Phúc, đơn vị này đã trưng ra 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thửa 2313, 2314, tờ bản đồ số 4 tại xã An Viễn và khẳng định rằng 2 Giấy chứng nhận này là của lô A17 và A18. Tuy nhiên, điểm bất cập ở đây là giấy chứng nhận này được cấp vào ngày 1/12/2021 và chủ sở hữu là ông Huỳnh Hữu Tường. Trong khi đó, họ ký hợp đồng chuyển nhượng với tôi là vào ngày 18/11/2021.
Không có dự án nào của Công ty Vạn Phúc
Trước thông tin và tài liệu bà N. cung cấp, chúng tôi đã tìm đến trụ sở của Công ty Vạn Phúc (địa chỉ ghi trong hợp đồng) trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1, TP.HCM). Tuy nhiên, đến đây thì phát hiện tòa nhà này đang treo bảng cho thuê. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với đại diện của Công ty Vạn Phúc thì được yêu cầu mang giấy giới thiệu, nội dung liên hệ đến số 55 đường Lê Văn Huân (quận Tân Bình).
Ngày 22/3, chúng tôi đã mang các giấy tờ cùng nội dung đề nghị phản hồi đến địa chỉ trên và gặp một người tên Hà, được giới thiệu là bộ phận pháp lý của Công ty Vạn Phúc. Sau khi xem giấy tờ và nội dung, người này nói chờ xin ý kiến lãnh đạo. Đến nay đã hơn 1 tuần trôi qua, Công ty Vạn Phúc vẫn chưa có phản hồi.
Trong khi đó, mới đây ngày 21/3, UBND xã An Viễn đã có văn bản trả lời bà N. rằng: “Tới thời điểm hiện nay Công ty Vạn Phúc không làm chủ đầu tư dự án khu dân cư nào tại xã An Viễn. Do đó, UBND xã An Viễn không có cơ sở để xác định 2 lô đất ký hiệu A17 và A18 tại xã An Viễn. Thửa đất số 2313 và 2314 tờ bản đồ số 4 xã An Viễn là đất thuộc quyền sử dụng cá nhân và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Đại diện UBND xã An Viễn đề nghị bà N. liên hệ tòa án để được giải quyết.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, luật sư Võ Mộng Thu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Vạn Phúc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất số hiệu A18, A17 giữa Công ty Vạn Phúc và bà N. được giao kết vào ngày 18/11/2021 và ngày 22/11/2021. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai lô đất này (thửa 2313, 2314, tờ bản đồ số 4) lại chỉ mới được cấp vào ngày 1/12/2021. Nghĩa là tại thời điểm ký kết hợp đồng, quyền sử dụng bất động sản này vẫn chưa được hình thành đối với chủ sở hữu.
Ngoài ra, Công ty Vạn Phúc đứng ra giao kết hợp đồng nhưng không phải là chủ sở hữu đối với 2 lô đất trên. Người được quyền sử dụng đất hợp pháp là ông Huỳnh Hữu Tường. Do đó, Công ty Vạn Phúc hoàn toàn không có quyền thực hiện ký kết xác lập chuyển nhượng/đặt cọc hoặc các hành vi giao dịch tương tự nào đối với quyền sử dụng đất nêu trên. Việc Công ty Vạn Phúc ký kết 2 hợp đồng chuyển nhượng và thu tiền đặt cọc với bà N. là trái quy định của pháp luật. Cụ thể đã vi phạm điều kiện giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 117, 122, 123 và 127 Bộ Luật Dân sự 2015.
Cũng theo luật sư Thu, Công ty Vạn Phúc còn có hành vi “gian lận, lừa dối khi môi giới” cho bà N. có hành vi “không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản”.