Giá hồ tiêu tiếp tục trên đà tăng sau thời gian dài rơi xuống đáy, tuy nhiên theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, “thủ phủ” trồng tiêu của tỉnh Gia Lai thì còn rất lâu giá tiêu mới ngang bằng với thời kỳ hoàng kim.
Hiện giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông duy trì giao dịch 87.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai thu mua ở mức 86.500 đồng/kg, còn giá tiêu tại Đồng Nai tiếp tục giao dịch quanh mức 86.500 đồng/kg. Nhiều dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng nóng dịp cuối năm khi thị trường có nhu cầu cao hơn.
Thời kỳ đỉnh cao vào năm 2015, tại Gia Lai thương lái thu mua hồ tiêu với mức giá 230.000 – 270.000 đồng/kg, khiến nông dân huyện Chư Sê đổ xô trồng cây tiêu. Khi được mùa được giá, nhiều hộ dân thu lợi nhuận lớn, xây nhà lầu, mua sắm xe ôtô.
Tuy nhiên, vào năm 2020 khi giá tiêu rớt thê thảm xuống còn 20.000 đồng/kg thì nhiều hộ dân, chủ yếu là các hộ đầu tư trồng về sau vỡ nợ ngân hàng buộc phải bán nhà, bán đất và bán luôn cả trụ tiêu để vào miền Nam mưu sinh. Cơn bão rớt giá quét qua thủ phủ hồ tiêu khiến người nông dân điêu đứng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, giá tiêu sẽ tăng từ đây cho đến cuối năm 2021, dự báo trên 100.000 đồng/kg. Việc giá tiêu tăng lên trên 200.000 đồng/kg còn phải chờ 3-4 năm nữa. Không thể một sớm, một chiều giá tiêu tăng vọt.
Với giá hồ tiêu hiện tại, người nông dân ở Gia Lai đã thu được lợi nhuận tốt. Những tháng cuối năm, nếu thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua tiêu để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán thì chắc chắn giá tiêu sẽ tiếp tục tăng thêm.
Theo ông Hoàng Phước Bính, những ngày qua, số lượng công dân từ miền Nam trở về quê đông, trong đó có rất nhiều người đổ nợ, bán nhà khi giá hồ tiêu rơi xuống đáy. Do đã bán đất, bán trụ tiêu nên họ mất nguồn vốn để gầy dựng lại diện tích hồ tiêu trên đất quê hương.
Tại Chư Sê, nhiều nông dân sau khi phá bỏ hồ tiêu chuyển qua trồng cây cà phê thì hiện tại giá cà phê cũng đang ở mức tăng trở lại, mang lại thu nhập khá tốt. Người dân sẽ tăng cường trồng xen canh hồ tiêu với cà phê để hạn chế sâu bệnh hại. Người dân cũng bắt đầu nhận thức được chất lượng của nông sản sạch nên sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Đất sạch, nguồn nước sạch thì sẽ cho giá sản phẩm hồ tiêu cao hơn.
Giá tiêu tăng lên, người trồng tiêu không còn bị lỗ và khả năng sẽ có giá tốt hơn trong tương lai, nhưng theo chuyên gia, ngành hàng này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi giá cước vận chuyển xuất khẩu ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chi phí nguyên liệu đầu vào cũng đang gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, Gia Lai có trong quy hoạch là 12.000ha để trồng tiêu, tuy nhiên có những thời điểm người dân trồng đến 18.000ha. Dù nhà nước có cảnh báo nhưng nông dân vẫn cứ trồng, không kiểm soát được.
Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Qua nhiều biến động thăng trầm của giá hồ tiêu, cần phải nhìn lại để có hướng phát triển bền vững, không chạy theo giá cả bấp bênh. Đó là cơ quan nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, chọn vùng đất phù hợp, phát triển theo quy hoạch, chủ động đưa công nghệ tưới tiêu hiện đại”.