Gia đình 3 người sống lay lắt giữa rừng vì không điện, không nước sinh hoạt

anh 1

Gần 10 năm sống lay lắt giữa rừng tràm, gia đình nhỏ 3 người đã và đang phải đối mặt với nhiều thiếu thốn vì không có điện, không nước sạch sinh hoạt và đi lại khó khăn…

anh 1
Căn nhà nhỏ tạm bợ của cháu bé Dương Bích Diệp sống cùng ba mẹ.

Căn nhà nhỏ nằm giữa rừng tràm

Chúng tôi tìm đến nhà cháu Dương Bích Diệp (học sinh lớp 3/2, Trường TH – THCS Trần Quốc Tuấn, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vào những ngày đầu tháng 11/2021, với tiết trời không mấy thuận lợi. Những cơn mưa một lúc càng nặng hạt hơn, khiến đường vào nhà trở nên trơn trợt, khó đi. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong rừng tràm không có điện, không nước sạch sinh hoạt chính là nơi mà cháu Dương Bích Diệp đang sống cùng bố mẹ.

Mỗi ngày, cháu Diệp đi bộ đến trường với quãng đường hơn 5km. Gia đình cháu Diệp đã xây cất tạm “căn chòi” tuềnh toàng vào năm 2012, cho đến nay, dù nắng mưa dãi dầu có đôi ba lần suýt “thổi bay mái tôn” ngôi nhà thì cháu Diệp và bố mẹ vẫn kiên quyết bám trụ.

Nếu đi thì cũng chẳng biết ở đâu”, chị Dương Thị Hằng, mẹ cháu Diệp buồn bã nói. Ngày nắng ráo thì còn chịu được, đến ngày mưa cả 3 người phải chui rúc vào từng góc nhỏ để tránh mưa gió bão giông. Không điện, không nước, mọi sinh hoạt gần như đảo lộn. Mỗi lần thấy con gái nhỏ ngây thơ hỏi mẹ rằng vì sao gia đình lại thiếu thốn, chẳng được như chúng bạn cùng trường, lòng chị Hằng lại đau như cắt.

anh 2
Đường đi vào nhà trơn trượt, ngôi nhà nhỏ nằm giữa rừng tràm không điện, không nước sạch sinh hoạt

Chị Hằng là người dân tộc thiểu số, không biết chữ. Để kiếm miếng ăn, chị Hằng làm việc theo kiểu “ai thuê gì làm nấy”, thu nhập rất bấp bênh. Trước khi dịch bệnh bùng phát, thỉnh thoảng chị Hằng được thuê lau dọn, phụ bếp, tiền công nhận về cũng chỉ từ 100.000 – 120.000 đồng/buổi. Mỗi sáng, chị Hằng dắt con gái đi học, trên đường về sẽ tranh thủ nhặt ve chai bán kiếm tiền. Sống lay lắt, thiếu thốn là thế, nhưng chị Hằng không dám buông bỏ hy vọng. Bởi ngoài cháu Diệp, chị Hằng còn phải chăm sóc người chồng bệnh tật là anh Say Đức Quang.

Anh Quang năm nay 51 tuổi, đã bị tai biến từ mấy năm nay. Hồi trước, anh Quang được người dân trong vùng tặng một chiếc xe gắn máy để chạy xe ôm. Được một thời gian thì xe hư hỏng, anh Quang lại đổ bệnh nặng, không thể làm việc được như bình thường. Hiện tại, kinh tế gia đình phụ thuộc vào những đồng lương làm thuê ít ỏi của chị Hằng. Suốt 5 tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Hằng mất việc làm, cuộc sống gia đình đã khó khăn nay lại càng thiếu thốn hơn.

anh 3
Cháu Dương Bích Diệp đang ngồi học bài

Mơ ước cho con học hết lớp 12

Buồn bã nhìn chúng tôi, chị Hằng kể chỉ mong có việc làm để kiếm tiền cho con đi học. “Gia đình đã nghèo khó, mẹ không biết chữ, nay vì thiếu ăn thiếu mặc mà để con mình dốt theo thì thật là không nỡ”, chị Hằng nói.

Trong đôi mắt ngây thơ của cháu Diệp là những tia hy vọng được ánh lên mỗi khi nhắc đến việc đến trường. Cháu Diệp là học sinh giỏi suốt mấy năm liền, ở trường ngoan ngoãn, hiền lành nên rất được thầy cô, bạn bè yêu quý. Những ngày cả nước học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh, cháu Diệp gặp vô số khó khăn vì nhà không có internet, sóng 3G vừa đăng ký quá yếu nên không nghe được bài giảng trực tiếp từ cô giáo.

Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm mới đặc cách cho cháu học khác với các bạn. Cô giáo tỉ mẩn viết lại từng bài giảng rồi gửi cho cháu qua Zalo. Đường đến với con chữ cứ nhập nhằng hết lần này đến lần khác nhưng hễ nghe mẹ kể chuyện đến trường là cháu Diệp lại reo lên từng cơn thích thú.

anh 3
Cháu Dương Bích Diệp đang ngồi học bài

Con muốn đi học để sau này kiếm tiền chữa bệnh cho bố”, cháu Diệp nói. Có những đêm soi đèn pin học chữ, cháu Diệp cứ ê a đọc bài rồi khoe cùng bố mẹ. Nhìn thấy con ngày càng thông minh, hiểu chuyện, nước mắt tủi hờn của bố mẹ cứ nuốt ngược vào trong.

Mơ ước lớn nhất của chị Hằng và anh Quang là cho con học đến lớp 12. Bao nhiêu hy vọng của đời trước đều được “đặt vào từng trang vở” của cháu Diệp. Thương con, anh Quang gắng sức đi lại, cố làm một số việc nhỏ trong nhà để đỡ đần bớt cho vợ. Còn chị Hằng thì nhịn ăn nhịn mặc, đi khắp nơi tìm kiếm việc làm.

Vợ chồng tôi ăn rau cháo gì cũng được, chỉ thương con nhỏ đã học đến lớp 3 mà thiếu thốn mọi bề. Nhiều lúc thấy con nhà người khác có sách vở, quần áo mới, cũng muốn mua cho con mà không biết làm cách nào. Chồng tôi đau ốm, mất sức lao động. Bản thân tôi lại không có việc làm ổn định, không biết chữ nên xin việc rất khó. Bây giờ chỉ biết cố gắng sống lay lắt qua ngày rồi ra sao cũng được”, chị Hằng kể thêm.

Leave a Comment