TP Biên Hòa dự kiến triển khai 5 dự án đường sắt, có tuyến 65 km nối Vũng Tàu
Trong số 5 dự án có tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, nối với cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, dài khoảng 65 km, tổng mức đầu tư là 50.822 tỷ đồng.
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, TP Biên Hòa sẽ triển khai 5 dự án đường sắt kết nối với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh để đảm bảo giao thông đô thị, giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.
Cụ thể, dự án đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng đi qua ba phường là An Hòa, Long Bình Tân, Phước Tân và diện tích cần thu hồi gần 42 ha. Tiếp đến là dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua phường Phước Tân và Tam Phước, diện tích đất quy hoạch cho dự án gần 28 ha.
Dự án nút giao thông đường sắt tại xã Phước Tân có diện tích 32 ha. Dự án ga Biên Hòa (phường An Hòa) gần 2 ha và dự án ga Phước Tân (phường Phước Tân) có diện tích khoảng 0,4 ha.
Khi các dự án trên được hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo thuận lợi rất lớn trong lưu thông hàng hóa bằng đường sắt từ khu vực TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Trảng Bom, TP HCM, Bình Dương đi Cảng Cái Mép.
Hiện tại các khu vực trên phần lớn đang vận chuyển hàng hóa về cảng Cái Mép bằng đường bộ, thường xuyên bị tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền. Do đó, chuyển qua vận chuyển bằng đường sắt sẽ tránh được ùn tắc giao thông, hàng hóa đến đúng giờ, giảm tải lưu thông cho tuyến quốc lộ 51, 1A, đồng thời giảm được nhiều chi phí về công vận chuyển.
Mới đây, tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xây dựng hai dự án đường sắt kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đây cũng là một trong hai dự án đường sắt tại Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.
Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài khoảng 65 km, điểm đầu từ ga Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Tổng mức đầu tư là 50.822 tỷ đồng.
Một dự án khác là tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành dài khoảng 37,5k m, điểm đầu ga Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM; điểm cuối sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư là 40.566 tỷ đồng.
Để chủ động trong quá trình kêu gọi đầu tư thực hiện hai dự án đường sắt nói trên, sớm triển khai thực hiện đưa vào khai thác kịp thời với thời gian vận hành sân bay Long Thành vào năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện hai dự án đường sắt này. Các dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư PPP.
Sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện, sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của sân bay Long Thành.