Hiện nay, tình trạng mua bán đất ở các tỉnh lân cận TP.HCM đang trở nên sôi động. Nhiều người đổ về các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An để mua đất, trong đó không ít trường hợp mua đất trồng lúa để chờ tăng giá.
Đất trồng lúa nói riêng và đất nông nghiệp nói chung có vai trò rất quan trọng nên pháp luật đất đai luôn có những quy định hết sức nghiêm ngặt nhằm hạn chế chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác.
Đồng thời pháp luật hướng đến việc sử dụng ổn định, tránh hoạt động chuyển nhượng loại đất này cho các chủ thể không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.
Do đó, khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, người nhận chuyển nhượng cần lưu ý mình có thuộc đối tượng được nhận chuyển nhượng hay không; diện tích nhận chuyển nhượng có nhiều hơn hạn mức cho phép không; khả năng chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang các loại đất khác; thời hạn sử dụng đất còn lại…
Theo ThS Ngô Gia Hoàng, giảng viên Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt.
Tức là chỉ với những diện tích đất nông nghiệp chuyên trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì tổ chức kinh tế mới được nhận chuyển nhượng. Nếu không, tổ chức kinh tế sẽ không được nhận chuyển nhượng cho dù họ không chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng.
Trường hợp là hộ gia đình, cá nhân thì phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó).
Trước đây, do không có hướng dẫn rõ ràng về căn cứ xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên nhiều địa phương chỉ dựa vào cam kết của người nhận chuyển nhượng hoặc có nơi giao việc xác nhận cho hội nông dân. Điều này dẫn đến nhiều cá nhân không đủ điều kiện vẫn tìm cách lách luật để nhận chuyển nhượng đất lúa.
Hiện nay, căn cứ xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được hướng dẫn rõ ràng theo Điều 3 Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT.
Cũng cần lưu ý hiện nay Luật Đất đai có quy định cho phép UBND cấp xã được cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê, thời gian mỗi lần thuê không quá năm năm.
Người thuê đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có quyền chuyển nhượng. Khi cần đất để sử dụng cho mục đích công ích, Nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường về đất. Do đó, khi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, việc kiểm tra thông tin nguồn gốc đất, chủ thể có quyền sử dụng đất thông qua các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu bắt buộc.
Theo PLO