Chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn đang lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT thẩm định để có thể khởi công công trình Cầu Phước An vào cuối năm 2022.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai thông báo về kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Phước An, công trình kết nối hai địa phương cũng như giao thông liên vùng trọng điểm phía Nam.
Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án cầu Phước An có tính chất đặc biệt quan trọng, kết nối giao thông liên vùng giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai, TP HCM. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn bộ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian vừa qua, dự án nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt, công tác tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình đã được UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các sở, ngành đóng góp ý kiến.
Hội đồng tuyển chọn cũng nhận được sự tham gia từ Sở Xây dựng, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai. Đến nay, công tác tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Phước An đã thực hiện xong.
Vì vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo để tỉnh Đồng Nai được biết về kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Phước An, mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới để dự án sớm được khởi công theo tiến độ đề ra.
Ngày 5-8, trao đổi với PLO, phía chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Giao thông Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (đại diện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu làm chủ đầu tư) cho hay để tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu, ban đã mời ba tổ chức tư vấn để lập phương án.
Sau quá trình tuyển chọn, Hội đồng tuyển chọn lựa chọn và được UBND tỉnh phê duyệt kết quả. Phương án đạt giải nhất là phương án 2 của công ty CP Tư vấn Thiết kế Cầu Lớn Hầm.
Hiện Ban QLDA đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT thẩm định để có thể khởi công theo dự kiến cuối năm 2022.
Cầu Phước An sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51
Dự án cầu Phước An có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép- Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa- Vũng Tàu) với tỉnh Đồng Nai và hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức – Long Thành; cao tốc TP HCM- Long Thành – Dầu Giây).
Qua đó kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ; đồng thời, giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 và các tuyến đường khác.
Do vậy, việc hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm thực hiện công tác đầu tư dự án cầu cần được khẩn trương thực hiện.
Về quy mô dự án, cầu Phước An có tổng chiều dài hơn 4,37 Km (trong đó cầu dài 3,5 km). Cầu thi công xong nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; kết cấu nhịp chính cầu Extradosed dài 250m có thể cho phép tàu 3.000 tấn lưu thông qua phía dưới. Tổng mức đầu tư là 4.879 tỉ đồng.