Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỉ đồng.
Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Theo đó, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7 km, điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cũng theo quyết định của Thủ tướng, dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Trong đó, đoạn từ điểm đầu dự án đến nút giao cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án (giao với quốc lộ 56) đều có quy mô 4 làn xe.
Riêng nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành) đầu tư 6 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 19.600 tỉ đồng. Trong đó, 6.720 tỉ đồng là vốn nhà nước và 12.987 tỉ đồng vốn do nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp. Với mức thu phí dự kiến là 1.700 đồng/km/xe con.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án được tính toán sơ bộ khoảng 519,64 ha với 3.130 hộ dân bị ảnh hưởng, 2.589 hộ tái định cư.
Một điểm đáng chú ý là việc Thủ tướng cho phép dự án này áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo Điều 82 Luật PPP.
Mục tiêu của dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 51; phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung…
Liên quan đến dự án này, đại diện Bộ GTVT cho biết sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, thời gian chuẩn bị dự án sẽ diễn ra trong năm 2021-2022. Lựa chọn nhà đầu tư trong giai đoạn 2022-2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn 2022-2024; thi công xây dựng công trình trong giai đoạn 2024-2026.
Dự án từng được giao các tỉnh làm chủ đầu tư
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu từng được Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư, tuy nhiên sau đó giao về cho các địa phương để triển khai.
Cuối tháng 10-2020, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và giao lại Bộ GTVT triển khai dự án này.
Theo địa phương này, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua địa bàn hai tỉnh với diện tích đất thu hồi, tái định cư lớn nên việc phối hợp thực hiện gặp nhiều khó khăn và dự báo kéo dài. Hơn nữa, việc tổ chức thực hiện các dự án PPP, loại hợp đồng BOT đòi hỏi phải có bộ máy quản lý kinh nghiệm và chỉ đạo thống nhất.
Bên cạnh đó, phần vốn hỗ trợ của Nhà nước tại dự án xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu lên tới 6.670 tỉ đồng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của hai tỉnh.
Theo PLO