Rất nhiều người dùng đi vay tiền online qua app từ các công ty dịch vụ tài chính tiêu sài không có kế hoạch đến kỳ hạn thanh toán không trả nổi lại tìm cách bùng nợ.
Nhiều người dùng tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ cách “bùng” tiền vay, học hỏi cách đối phó với chủ nợ. Điều này theo các chuyên gia, có thể gây nhiều hệ lụy lâu dài.
Nhiều người dùng tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ cách “bùng” tiền vay, học hỏi cách đối phó với chủ nợ. Điều này theo các chuyên gia, có thể gây nhiều hệ lụy lâu dài.
Tìm cách “bùng” tiền vay
Thanh Liên (Đồng Nai) cho biết đã vay 10 triệu đồng để xài Tết vừa qua, nhưng đến giờ “không biết xoay đâu ra tiền để trả lãi” nên xin gia nhập thành viên nhóm “Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó” trên Facebook mong tìm kiếm “cao nhân chỉ giáo”.
Đáp lời yêu cầu của Liên là hàng chục bình luận chia sẻ cách thức “bùng” nợ, chẳng hạn: “khổ nhục kế” mượn nợ đổi SIM (điện thoại).
“Hàng khủng” hơn, thành viên có tên Hà Hoàng cho biết mình đã vay từ rất nhiều ứng dụng với tổng số tiền đến gần 100 triệu đồng. Thành viên Banh Lam lại cho biết đã vay của Citi Credit 18 triệu đồng, Vdong 2,6 triệu… và đặt câu hỏi:
“Có con nào trong này mà mình phải đi bóc lịch (đi tù – PV) không ạ?”. Hay có thành viên tỏ vẻ ngây ngô muốn tham khảo ý kiến: “Mình vay app dùng số điện thoại và căn cước công dân của mình phải không ạ? Tại em tính bùng”…
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, chỉ riêng mạng xã hội Facebook đã có đến hàng chục hội nhóm liên quan đến chủ đề “bùng” tiền vay các dịch vụ tài chính cũng như cách đối phó khi bị đòi nợ.
Có thể kể đến những cái tên nổi trội như: hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên), hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (27.000 thành viên), hội bùng app vay tiền online (60.000 thành viên), hội bùng app vay tiền và cách đối phó 2023 (38.000 thành viên)…
Tiền vay dễ, lãi suất cao
Làm công việc tư vấn cho vay tín chấp ở một công ty tài chính lớn trên thị trường, chị Phượng (TP.HCM) chia sẻ: “Vay công ty tài chính lãi cao là đương nhiên”, vì thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần gửi ảnh chụp căn cước công dân, có thẻ bảo hiểm y tế của công ty cấp thì càng tốt.
Chị chạy bảng tính, nếu vay 30 triệu đồng với kỳ hạn 12 tháng, mỗi tháng khách hàng phải đóng tổng cộng 3,56 triệu đồng (tương ứng 12,7 triệu đồng tiền lãi).
Trước tình hình người vay bùng nợ nhiều như hiện nay, “lúc tiếp xúc với khách hàng mình cũng cẩn thận, kiểm tra kỹ thông tin. Mình ăn hoa hồng không bao nhiêu, nhưng nếu khách hàng quỵt nợ thì mình sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ duyệt hồ sơ sau này”, chị Phượng nói.
Theo một số chuyên gia tài chính, do còn sơ hở, thiếu quy định trong việc trả nợ với các khoản vay công ty tài chính nên hiện xu hướng tiêu cực là cố tình “bùng nợ”.
Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bởi các doanh nghiệp phải siết lại cho vay, thậm chí tăng lãi suất để bù lại rủi ro. Nhiều người sẽ khó vay, dễ lâm vào tín dụng đen với lãi suất cao và nhiều ẩn số.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng một số công ty tư vấn tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các app cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng…) tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm với công ty tài chính được cấp phép.
Chính việc bùng nổ của các app cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.
Bên cạnh các hoạt động cho vay, nghiệp vụ đòi nợ của các đối tượng này cũng “núp bóng”, lợi dụng thông tin từ các công ty tài chính tiêu dùng chính thức để đưa ra phương thức sai pháp luật.