Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, việc lập dự án các tuyến đường sắt kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm 2023, đến năm 2024 sẽ trình cấp có thẩm quyền.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án Đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành và Biên Hòa-Vũng Tàu.
Trong quá trình triển khai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đề xuất giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để triển khai 2 dự án theo hình thức công-tư (PPP). Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ủng hộ đề xuất của tỉnh Đồng Nai đồng thời đề nghị các địa phương (Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu) có ý kiến đối với đề xuất của này.
Tuy nhiên sau đó, tỉnh Đồng Nai lại có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng 2 tuyến đường sắt này.
Do các dự án đường sắt có tính chất kỹ thuật phức tạp, liên quan đến công nghệ vận hành, khai thác đồng bộ, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đề xuất với một số nhà tài trợ nước ngoài quan tâm, tài trợ hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư, bảo đảm tính khả thi và đồng bộ trong quá trình khai thác, theo đó, dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2024.
Phía Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, hiện nay, Ban quản lý dự án Đường sắt đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án và thực hiện thỏa thuận hướng tuyến, vị trí ga đường sắt… với các địa phương nơi dự án đi qua.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành được quy hoạch có chức năng vận chuyển hành khách như một tuyến đường sắt đô thị nhưng kết nối liên kết vùng.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành có chiều dài khoảng 38km (đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa) đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với điểm đầu ga Thủ Thiêm, điểm cuối ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Toàn bộ tuyến dự kiến đi trên cao bao gồm 19 ga trên cao. Tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng, lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 65km. Điểm đầu là ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) điểm cuối Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỉ đồng, theo phương thức PPP.