Năm 2023, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành sẽ nghiên cứu xong
Nội dung này được đề cập trong công văn góp ý của Bộ Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM về phương án kết nối đường vành đai 3 TP.HCM giao cắt với các dự án đường bộ, đường sắt…
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành đang được Ban Quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Bộ đề nghị UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM yêu cầu tư vấn thiết kế cập nhật quy hoạch đường sắt. Đồng thời, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt thỏa thuận về hình thức, giải pháp giao cắt để nghiên cứu, đánh giá phân tích lựa chọn phương án tối ưu đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật…
Trước đó, cả tỉnh Đồng Nai và TP.HCM cũng đã đề xuất sớm đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành trong bối cảnh sân bay Long Thành được chốt phải hoàn thành năm 2025.
Đường sắt nhẹ dài khoảng 38km, đi qua 11,8km trên địa bàn TP.HCM, còn lại là qua tỉnh Đồng Nai. Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng.
Theo báo cáo đề xuất của tỉnh Đồng Nai, toàn bộ tuyến dự kiến đi trên cao bao gồm 19 ga trên cao; riêng depot có diện tích 13ha, bố trí tại khu vực sau sân bay quốc tế.
Tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tại vị trí trung tâm sân bay Long Thành bố trí 2 ga kết nối với 4 nhà ga của cảng hàng không. Sau khi đi qua sân bay, tuyến đường sắt nhẹ đi về tới depot.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc – Nam, có năm tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với các địa phương gồm tuyến: Nha Trang – TP.HCM (đường sắt tốc độ cao), TP.HCM – Cần Thơ, TP.HCM – Lộc Ninh, TP.HCM – Tây Ninh, Thủ Thiêm – Long Thành.
Đối với dự án đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ đi qua năm tỉnh thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với chín nhà ga. Dự án có tổng chiều dài 134,9km với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ USD. Bộ Giao thông vận tải hiện đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án tiền khả thi.
Với tốc độ dự kiến 190km/h, đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM chỉ còn 75 – 80 phút, thay vì 180 – 240 phút đi đường bộ như hiện nay.