Đồng Nai cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi heo nhỏ lẻ

Nuoiheo1

Bị ảnh hưởng dịch COVID-19, người nuôi heo nhỏ lẻ ở Đồng Nai đang gặp cảnh lao đao, cần các giải pháp tháo gỡ và sự hỗ trợ của các ngành chức năng khi mùa heo Tết đang cận kề.

Đồng Nai được coi là một trong những “thủ phủ” nuôi heo của cả nước với hơn 2,5 triệu con heo của doanh nghiệp và các hộ gia đình, nhưng hiện nay do tác động bởi dịch COVID-19, giá heo hơi giảm, lạm phát tăng trên thế giới khiến giá thức ăn liên tục tăng kéo theo nhiều chi phí phát sinh làm cho người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn. Trước tình hình đó, người chăn nuôi nhỏ lẻ mong muốn các ngành chức năng có các giải pháp cấp bách, phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ giúp qua “cơn bĩ cực”, nhất là khi vụ heo Tết đang đến gần.

Nuoiheo1

Chúng tôi về thăm trang trại heo của gia đình anh Vũ Văn Vĩnh, sinh năm 1983, ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trang trại của gia đình anh Vĩnh nằm trong “vùng nuôi heo” với nhiều trang trại lớn nhỏ ở xung quanh. Hiện tại trang trại của gia đình anh có 36 con heo nái và khoảng 400 con heo thịt. Trao đổi với chúng tôi, anh Vĩnh cho biết, từ đầu năm 2022, giá heo hơi giảm xuống còn 45.000 đồng/kg, hiện nay có nhích lên, nhưng không đáng kể. Trong khi đó, giá cám cho heo ăn thì tăng cao (hiện tại giá 350.000 đồng/bao). Theo anh Vĩnh, mỗi con heo hơi xuất bán phải nuôi khoảng 6 tháng, bán ra với giá 5,7 triệu – 6 triệu đồng/con, tốn khoảng 5,2 triệu đồng tiền cám, chưa kể chi phí thuê nhân công. “Giá heo hơi vẫn có chiều hướng giảm. Và nếu giá cám và thuê nhân công cứ tiếp tục tăng thì người chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể thu hồi chứ chưa nói lời lãi. Đây là một trong những đợt khó khăn nhất trong gần 20 năm nuôi heo mà tôi từng thấy”, anh Vĩnh buồn bã.

Tại Công ty TNHH một thành viên Tám Do ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong giới chăn nuôi, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư trại heo giống với quy mô lớn, công nghệ hiện đại thuộc tốp đầu của Đồng Nai, với tổng đàn heo từng lến tới 10.000 con (gồm cả heo nái và heo thịt), cũng đang đối mặt với áp lực…lỗ. “Vì áp lực đủ thứ khó khăn do dịch COVID-19, giá thức ăn tăng cao dẫn đến đối mặt với việc lỗ nặng, tôi phải tiến hành giảm mạnh về quy mô, chuyển đổi và chuyển nhượng nhiều cơ sở. Hiện trại nuôi heo ở Long Thành đã gần như đã phải ngưng hẳn việc chăn nuôi heo rồi…”, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc trang trại nuôi heo quy mô lớn một thời cho biết.

Còn anh Trịnh Đình Xuân, sinh năm 1978, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, có trang trại heo hơn 20 con heo nái, 500 con heo thịt. Vì tiền bán heo không bù lại chi phí đầu tư nên gần đây anh giảm gần hết đàn, chỉ để lại 30 con heo thịt để bán dịp Tết sắp tới.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, chuỗi cửa hàng tiện ích tại TP.Biên Hoà, hiện nhiều cơ sở đang lên kế hoạch giảm chi phí vận hành, nhằm góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên, theo các tiểu thương hiện giá heo hơi đang có chiều hướng tiếp tục giảm. Anh Nam, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Biên Hoà cho biết, giá heo chỉ nhích lên chút đỉnh trong thời gian qua ( khoảng 5.000- 7.000/kg) rồi tụt xuống, trong khi giá cám liên tục tăng. Người tiêu dùng lại có nhiều lựa chọn thực phẩm như hải sản, dê, bò, bê… nên hiện tại người nuôi heo nhỏ lẻ vẫn trong cảnh đối mặt thua lỗ.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết hiện nay giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác để đầu tư nuôi heo đều tăng cao. Trong khi đó nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá heo hơi lại đang trên đà giảm mạnh, dẫn đến thua lỗ. “Bà con hầu như không mặn mà tái đàn, dù đây là thời điểm tái đàn, tăng đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm”” ông Đoán thông tin.

Các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi nhận định, hiện người chăn nuôi heo nhỏ lẻ đang gặp nhiều bất lợi so với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. trong chăn nuôi. Các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn có tiềm lực tài chính nên chịu ít áp lực về lãi vay, trong khi họ sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nên hiệu quả chăn nuôi cao hơn hẳn. Với việc áp dụng khoa học tiên tiến sẽ giúp mỗi con heo nái có thể đẻ tới 28 heo con/lứa, trong khi tại các trang trại nhỏ lẻ mức sinh sản chỉ 9-12 con/lứa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng cho biết hiện các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn phụ thuộc con giống từ các doanh nghiệp nên phải mua với giá cao. Đồng thời, người chăn nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, năng lực quản lý nên giá thành sản xuất cao hơn các trang trại, dẫn đến khó cạnh tranh.

Do đó, quá trình tìm hiểu cho thấy, hầu hết các chuyên gia và người chăn nuôi đều cho rằng vấn đề hiện nay để cứu giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ là cần có cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, đồng thời tạo chuỗi liên kết chăn nuôi, thường xuyên cập nhật, chuyển giao, áp dụng được công nghệ tiên tiến kịp thời mới mong nâng cao năng suất của đàn heo, tăng sức cạnh tranh lành mạnh, nhằm cân đối thị trường, tìm “lối ra””cho đàn ở “thủ phủ” heo của cả nước. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh, đầu tiên việc tăng năng suất sinh nở ở đàn heo nái là cần thiết nhất.

Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết hiện tỉnh cũng đang rất quan tâm đến việc phát triển đàn heo, vốn là một thế mạnh từ lâu của địa phương. Ông Sỹ cho biết hiện đang tập trung cho mục tiêu chăn nuôi heo theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc thù cho chăn nuôi hộ nông dân trong đó có sự liên kết với doanh nghiệp đồng thời chắc chắn phải đẩy nhanh áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hy vọng sớm tăng sức cạnh tranh, giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ sớm tìm ra hướng đi để đủ sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Leave a Comment