Nhiều người sập bẫy do giao dịch đất đai bằng giấy viết tay

d1 16637242573912116094047

Cùng một thửa đất nhưng bán cho nhiều người là phương thức không mới nhưng với thủ đoạn tinh vi, nhiều người đã sập bẫy.

Vợ chồng chị Bùi Thị Oanh từ Hà Tĩnh vào Đồng Nai lập nghiệp, chưa có nhà, phải ở nhà thuê. Năm 2021, vợ chồng chị có mua đất của ông Nguyễn Văn Chiến ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, diện tích 90m2 với giá 800 triệu đồng bằng giấy viết tay. Nhưng khoảng 1 tháng sau thì có người gọi điện đến cho chị Oanh nói rằng, lô đất mà chị mới mua là của họ.

Chị Oanh cho biết: “Khi đó, tôi gọi cho ông Chiến, ông Chiến có ra một lần và bảo để ông Chiến đi xác nhận đất. Sau đó tôi có liên lạc nhiều lần thì ông Chiến trốn luôn và không gặp mặt nữa”.

Sau khi xây tường rào, nhiều người mới ngã ngửa khi biết lô đất mình mua được bán cho người khác.

Ông Phan Văn Thám, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa cho hay: “Thấy cái tường bị đập phá hết, hàng xóm cho biết có 3 – 4 người đến tranh chấp, tôi thấy kẻ bảng là khu đất có tranh chấp và có để số điện thoại là của ông Nguyễn Văn Dũng, ông Dũng nói ông mua trước của ông Chiến”.

d1 16637242573912116094047

Không chỉ có người dân mắc bẫy, các tiệm cầm đồ cũng sập bẫy của ông Chiến. Với phương thức cầm cố giấy tờ đất lấy 300 triệu. Sau 1 tháng không trả được lãi, tài sản cầm cố này thuộc về các chủ tiệm cầm đồ.

“Sau mấy tháng người cầm cố không tới thì đất đó là của mình. Tôi đã bán cho ông Nguyễn Văn Cẩm. Nhưng khi dẫn ông Cẩm ra đất đó để xây tường thì mới biết đất đó đã bán cho anh Trọng, với một chị tên là Nga. Coi như là 3 người cùng mua miếng đất đó”, anh Nguyễn Duy Hùng, Tiệm Cầm đồ Duy Hùng Nguyễn, TP. Biên Hòa cho biết.

Sau khi phát hiện nhiều người cùng lúc mua một lô đất, các nạn nhân đã tìm hiểu thì mới biết ông Chiến đã ngụy tạo sổ đỏ bằng cách cắt ghép, photo mặt trước và mặt sau từ các sổ khác nhau để tạo thành một cuốn sổ mới, đem bán cho nhiều người.

Theo các luật sư, điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không bị tranh chấp, không bị kê biên thi hành án. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Do đó, trước khi giao dịch mua bán, người dân nên liên hệ với UBND phường, xã để tìm hiểu đất đã có sổ hồng, sổ đỏ chưa hay giấy chứng nhận có bị cạo sửa, cắt dán không, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả để phòng tránh rủi ro.

Leave a Comment