Có không ít trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng tự điều trị, gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa thông tin về trường hợp bệnh nhân nữ M.K.D (25 tuổi, trú tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tử vong do sốt xuất huyết.
Theo báo cáo, bệnh nhân sốt từ ngày 2/8 và tự mua thuốc uống. Đến ngày 5/8, bệnh nhân giảm sốt, khỏe hơn nhưng xuất hiện đau lưng nên đi khám tại phòng khám tư, lấy thuốc về nhà uống. Đến tối ngày 5/8, bệnh nhân mệt, đau bụng tăng dần, nôn ói.
Sáng ngày 6/8, người nhà thấy bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, tím tái nên chở đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Lúc nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn, sốt xuất huyết nặng thể sốc ngày 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Hay trường hợp bệnh nhân L.T.N (24 tuổi, trú tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) phải nhập viện cấp cứu vì mắc sốt xuất huyết.
Trước đó, bệnh nhân này đã đến khám và điều trị tại 1 phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân không khỏi mà xuất hiện các triệu chứng nặng nên được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch.
Điều đáng nói, bệnh nhân này đã được truyền dịch khi chưa cần thiết, việc này có thể gây tràn dịch màng phổi, màng bụng, suy hô hấp.
BSCKI. Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: Trong thời gian qua, bệnh viện có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết tự điều trị tại nhà và được truyền dịch chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân bị sốt xuất huyết chỉ truyền dịch trong trường hợp bị sốc, khi đó cần truyền một lượng dịch rất lớn, khoảng 3.000 – 4.000 ml/ngày, thậm chí có trường hợp truyền nhiều hơn.
“Chúng ta cần hiểu một điều bệnh nhân sốt xuất huyết khi cần thiết truyền dịch thì bác sĩ mới truyền, chúng ta không nên tự động đi các phòng khám truyền dịch trước, vì gây hậu quả về sau nặng nề” – bác sĩ Hùng nói.
Cụ thể, nếu bệnh nhân đã truyền dịch trước đó rồi khi vào bệnh viện bị sốc, bắt buộc các bác sĩ phải truyền dịch để chống sốc. Lúc này, dịch quá nhiều có thể làm quá tải tuần hoàn, gây phù phổi cấp, suy tim cấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo bác sĩ Hùng, ngoài việc bệnh nhân tự ý truyền dịch tại phòng khám thì cũng có trường hợp một số cơ sở y tế có thể do bác sĩ không phải bác sĩ chuyên khoa nên điều trị chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế, truyền dịch cho bệnh nhân khi chưa cần thiết, dẫn đến khi bệnh nhân trở nặng phải nhập viện thì việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Do vậy, người dân khi bị sốt ngày thứ 2, nên đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt không được tự ý dùng thuốc, truyền dịch chưa đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính đến 9/8, toàn tỉnh ghi nhận hơn 17.700 ca sốt xuất huyết (trẻ em dưới 15 tuổi chiếm gần 58%), tăng 261% so với cùng kỳ. Tổng số ca tử vong là 15, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ có 1 ca.
BSCKII. Lê Quang Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cũng cho biết, hiện Đồng Nai đang song hành 2 chủng sốt xuất huyết là D1 và D2. Trong đó, chủng D2 khá phổ biến, mà độc lực chủng này mạnh hơn nên nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, người dân hết sức cảnh giác, khi có triệu chứng nên đi khám sớm, không được chủ quan.
Theo VOV