Đồng Nai TV
Đồng Nai TV : Chuyên trang cập nhật tin tức, hình ảnh, clip nóng mới nhất nhanh nhất về tỉnh Đồng Nai, giải trí, du lịch, nhà đất, mới nhất 2020

Nuôi lươn không bùn bán lươn to bự 220.000 đồng/ký, nhà nào nuôi nhà đó khá giả

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng là mô hình được nhiều nông dân huyện Trảng Bom (Đồng Nai) chọn nuôi trong bối cảnh thời gian gần đây, giá gia cầm bấp bênh, việc tái đàn heo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng được cho là có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện là địa phương diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.

Mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi lươn không bùn

Nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Minh (ấp 6) là hộ chăn nuôi gia cầm lớn ở xã An Viễn. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, dịch bệnh khó kiểm soát khiến ông quyết định cải tạo chuồng và chuyển sang nuôi lươn không bùn.

Hội viên Hội nông dân tham quan mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.An

Với mỗi ô rộng 3m2, ông Minh thả khoảng 1,5 ngàn con giống. Sau khoảng 8 tháng, lươn được xuất bán với mức giá bao tiêu tại chuồng dao động từ 190-220 ngàn đồng/kg.

Lứa đầu, trừ mọi chi phí ông Minh thu về gần 300 triệu đồng/9 ô nuôi. Hiện ông Minh đang phát triển lứa lươn thứ 2 với số lượng 13 ngàn con.

Tương tự, hơn 1 năm nay, ông Nguyễn Danh Uy (ấp 4, xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng chuyển đổi từ nuôi gà thả vườn sang nuôi lươn và làm đầu mối cung ứng lươn giống cho các hộ chăn nuôi khác.

Ông Uy chia sẻ, trước đây ông nuôi gà thả vườn nhưng gặp nhiều rủi ro, trong đó rủi ro về dịch bệnh có thể khiến cho người nông dân từ chủ trang trại trở thành con nợ chỉ sau một lứa gà. Dịch bệnh gia cầm có nhiều loại, trong nhiều trường hợp, trang trại mình phòng bệnh tốt nhưng trang trại bên cạnh không phòng bệnh tốt cũng bị lây bệnh qua môi trường không khí.

Năm 2017, ông thất bại vì thời điểm heo xuất chuồng giá giảm, lỗ nặng. Năm 2018, ông chuyển sang nuôi lươn không bùn và thấy hiệu quả kinh tế khá hơn, giảm dịch bệnh và đặc biệt giảm mùi hôi cho gia đình và các hộ xung quanh.

Sau dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Thanh Lập (ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chuyển sang nuôi lươn không bùn theo quy mô lớn.

Ông Lập cho biết, lúc đầu, ông nuôi 2 ô với số lượng 3.000 con. Quá trình nuôi, ông cho lươn ăn trùn quế, cám chuyên dùng cho loại cá da trơn; xử lý nước bằng đá san hô và nước lá xoan, tỏi, ớt xay pha loãng.

Sau 6 tháng, lươn đạt trọng lượng gần 200g/con, ông bán và thu lời hơn 50 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng quy mô lên 22 ô nuôi.

Hiện tại, ông Lập đang cải tạo chuồng cũ để xây khoảng 180 ô nuôi lươn và dự kiến thả khoảng 4 triệu con lươn giống mỗi lứa. “Tôi có mối lươn giống chất lượng, có chỗ bao tiêu đầu ra, am hiểu con lươn nên quyết định đầu tư lớn” – ông Lập cho hay.

Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nuôi lươn

Hiện tại, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đều phát triển mô hình nuôi lươn không bùn.

Bởi mô hình nuôi lươn không bùn này chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi heo hoặc gà, ít xảy ra dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Mặt khác, lươn có đầu ra ổn định, lợi nhuận khá và phù hợp cả những hộ không có nhiều đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững triển khai dự án Xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật sản xuất lươn giống và nuôi lươn đồng thương phẩm chất lượng cao.

Để phát triển mô hình một cách bài bản, huyện đã tổ chức cho nông dân các xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn ở các tỉnh: Tây Ninh, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu. Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững tập huấn quy trình kỹ thuật bể nuôi lươn, chăm sóc lươn và nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện hướng dẫn thành lập 2 tổ hợp tác nuôi lươn không bùn tại xã An Viễn và xã Sông Trầu; triển khai 2 dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với tổng số tiền 800 triệu đồng cho các hộ đầu tư xây bể nuôi lươn và mua lươn giống.

Huyện Trảng Bom cũng quyết định hỗ trợ nguồn vốn 500 triệu đồng phát triển mô hình nuôi lươn không bùn.

Theo lãnh đạo huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn huyện đang có nhiều triển vọng, ít gây ô nhiễm môi trường, phù hợp cả vùng đô thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên, huyện không khuyến khích phát triển mô hình nuôi lươn không bùn một cách ồ ạt.

Các hộ chuyển đổi mô hình chăn nuôi hoặc phát triển nuôi lươn phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi lươn, chăm sóc lươn và xử lý nguồn nước; liên kết với các tổ hợp tác đặt hàng để có nguồn lươn giống sạch và ổn định. Bởi trên thực tế, có lúc thị trường khan hiếm lươn giống, nhiều hộ phải “treo chuồng”.

Huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, kết nối đầu vào, đầu ra và giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển mô hình nuôi lươn VietGAP.

Bình luận