Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đi qua TP HCM, Đồng Nai được đề xuất mở rộng gấp đôi trên chiều dài 24 km, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Phương án này vừa được Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) trình Bộ Giao thông Vận tải nhằm đẩy nhanh đầu tư mở rộng tuyến cao tốc, góp phần giải quyết ùn tắc và đáp ứng nhu cầu đi lại đang liên tục tăng.
Đoạn mở rộng được đề xuất làm trên chiều dài 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (quận 2, TP HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Đoạn này mở rộng mặt đường gấp đôi hiện nay, từ 4 lên 8 làn xe. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên.
Theo phương án, đoạn cao tốc qua địa bàn TP HCM từ nút giao An Phú đến Vành đanh 2 sẽ mở rộng mỗi bên 5,25 m, nâng bề rộng mặt đường lên 36 m cho 8 làn xe (không tính làn xe thô sơ).
Đoạn từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chia làm hai phần: phần cầu cạn từ Vành đai 2 đến Sông Tắc sau khi mở rộng sẽ tách biệt hai bên, mỗi bên rộng gần 20 m; phần đi trên nền đường đắp từ Sông Tắc đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sẽ mở rộng lên 42,5 m.
Tại khu vực cầu Long Thành sẽ xây dựng thêm một cầu khác quy mô như cầu hiện hữu, khoảng cách giữa hai cầu khoảng 13 m. Riêng đoạn An Phú đến Vành đai 2 và từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, phía ngoài các cầu hiện hữu trên tuyến sẽ xây dựng mỗi bên một cầu, rộng từ 17,5 m đến 19,5 m.
Theo Tổng công ty Cửu Long, các nút giao trên tuyến như An Phú, Vành đai 3, quốc lộ 51, hiện có dự án riêng hoặc sắp triển khai các công trình, cũng sẽ được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc.
“Riêng nút giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nếu được nghiên cứu đầu tư đồng bộ cùng các tuyến kết nối với sân bay Long Thành sẽ góp phần giải quyết ùn tắc cho quốc lộ 51“, đại diện Tổng công ty Cửu Long cho hay.
Tổng kinh phí mở rộng cao tốc dự kiến khoảng 9.976 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 300 tỷ đồng do chỉ thực hiện đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến hết cầu Long Thành. Tổng công ty Cửu Long hiện kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án đầu tư công và làm việc với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đề xuất tài trợ vốn ODA cho dự án.
Thông xe đầu năm 2015 với tổng mức đầu tư 9.890 tỷ đồng giai đoạn một, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ TP HCM tới Vũng Tàu so với trước. Tuyến đường thiết kế cho xe chạy tốc độ cao nhất 120 km/h, thấp nhất 80 km/h.
Năm 2019, lưu lượng xe trung bình qua cao tốc gần 52.500 lượt mỗi ngày và tăng lên gần 57.000 dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết. Lượng xe tăng cao, vượt năng lực khai thác dẫn đến tình trạng ùn ứ thường xuyên tại các khu vực: trạm Long Phước, nhánh D – quốc lộ 50, trạm Dầu Giây, các tuyến nối vào quốc lộ 51, đường Mai Chí Thọ, Võ Chí Công.
Việc mở rộng cao tốc, chính quyền TP HCM và Đồng Nai đều đánh giá cần thiết, giúp kết nối vùng, đồng bộ với kế hoạch xây sân bay Long Thành. Bộ Giao thông Vận tải hồi tháng 8 giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ trong quý IV, xem xét đưa vào kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Nguồn : https://vnexpress.net/gan-10-000-ty-dong-mo-rong-cao-toc-tp-hcm-long-thanh-4204529.html