Để tháo gỡ vướng mắc cho định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh giá đất đối với từng dự án cụ thể.
Định giá đất là khâu quan trọng để tính tiền thuê đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và xác định giá khởi điểm trong đấu giá đất nhưng thời gian qua khâu này bị “tắc”. Từ đó dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ, thu ngân sách bị ảnh hưởng.
Trước kiến nghị của các địa phương, trong đó có Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ mới có chỉ đạo sửa đổi trong tháng 7/2023.
Dự án, nguồn vốn bị “tắc” vì định giá đất
Mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, do quy định của pháp luật còn nhiều bất cập nên công tác định giá đất trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định, địa phương phải xây dựng kế hoạch định giá đất cụ thể hàng năm và hồ sơ thửa đất cần định giá để đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, định giá đất. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch hàng năm chỉ mang tính dự báo nên tổ chức đấu thầu chọn đơn vị định giá đất rất khó. Trường hợp tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể cho từng dự án cũng còn nhiều bất cập dẫn đến kéo dài thời gian.
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án cần tư vấn, định giá đất nhưng hiện chỉ có trên dưới 10 đơn vị tham gia. Sở Tài nguyên và Môi trường đã qua nhiều kênh khác nhau để tìm tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất nhưng rất ít đơn vị mặn mà. Vì vậy, định giá đất cụ thể gặp nhiều khó khăn.
Cùng có ý kiến về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành phố cũng đang gặp khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp định giá đất. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công tác thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công, gia tăng các vụ khiếu kiện, khiếu nại.
Quy định hiện hành có 5 phương pháp định giá đất nhưng mỗi phương pháp đều có cái khó riêng. Chẳng hạn, phương pháp thu thập, đơn vị định giá đất rất khó thu thập thông tin về giá đất giao dịch, chuyển nhượng thực tế; thông tin về chi phí cải tạo đất và công trình trên đất. Đối với phương pháp so sánh trực tiếp thì khó tìm thửa đất tương đồng với thửa đất cần định giá về kích thước, hình thể, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng…
Sửa đổi phương pháp định giá đất
Để tháo gỡ vướng mắc cho định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với từng dự án cụ thể trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp gần nhất trước khi UBND tỉnh quyết định làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Việc xác định giá đất cụ thể theo 4 phương pháp còn lại (so sánh trực tiếp, thu nhập, chiết trừ, thặng dư) chỉ áp dụng đối với trường hợp xác định giá đất khởi điểm để tổ chức đấu giá khi giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Trước đó ngày 7/7/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể nhằm gỡ vướng một phần cho định giá đất. Quyết định giao các sở, ngành tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương trong công tác: lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định giá đất cụ thể, phê duyệt giá đất.
Ngày 10/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành sửa đổi, quy định chi tiết phương pháp định giá đất, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất trong tháng 7/2023 trình Thủ tướng. Đồng thời, thành lập tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vướng mắc về định giá đất. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo công tác định giá đất, quyết định giá đất theo thẩm quyền; ủy quyền cho cấp huyện xác định giá đất cụ thể theo phân cấp.
Nguồn :https://nguoiquansat.vn/dong-nai-cong-bo-ke-hoach-sua-doi-phuong-phap-dinh-gia-dat-84348.html