Dự kiến trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha.
Sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Với diện tích trên 11.345 ha, tỉnh Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích sau Đắk Lắk (22.458 ha), Lâm Đồng (17.719 ha), Tiền Giang (17.656 ha).
Vùng trồng sầu riêng ở trỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích). Diện tích thu hoạch 6.574 ha và sản lượng năm 2023 khoảng 69 nghìn tấn.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu các vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói phải đươc giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên môn. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về việc ghi nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu. Đồng thời phải kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác.
Có thể nói, quả sầu riêng của Đồng Nai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Đồng Nai cũng như sầu riêng Việt Nam ra thị trường thế giới. Dự kiến trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha./.