TPHCM phản hồi Đồng Nai về làm tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành

Duong Sat Thu Thiem

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản phản hồi tỉnh Đồng Nai về việc tỉnh này muốn là cơ quan có thẩm quyền đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Duong Sat Thu Thiem
Theo quy hoạch đến năm 2030, ở phía Nam có 4 tuyến đường sắt

Hồi giữa tháng 2 năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Theo đó, tuyến đường sắt dài 37,5 km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức, TPHCM) điểm cuối tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 40.566 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phản hồi việc này, UBND TPHCM cho biết, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là một trong 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030.

Tuy nhiên, Luật Đường sắt năm 2017 không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là Vụ Đối tác công tư (thuộc Bộ Giao thông vận tải).

Do đó, UBND TPHCM đề nghị tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án này.

Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TPHCM thống nhất đề xuất tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030, ở phía Nam ngoài tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, còn có 3 tuyến đường sắt khác gồm: tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84 km tổng mức đầu tư 50.822 tỉ đồng; tuyến TPHCM – Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng dài 174 km khoảng với tổng mức đầu tư 10 tỉ USD; tuyến TPHCM – Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam – Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km với tổng mức đầu tư khoảng 948,6 triệu USD.

Leave a Comment