Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến vay lãi nặng trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm cuối năm. Trước trực trạng này, lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo lực lượng chức năng đấu tranh, trấn áp mạnh các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là vay tiền từ các app (ứng dụng).
Nghịch lý “vay tiền lại mất tiền”
Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại địa bàn TPHCM tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng. Đáng chú ý, một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là chiêu dụ nạn nhân đăng ký vay tiền online qua các app, website hoặc mạng xã hội để chiếm đoạt tiền.
Từ cuối tháng 10-2022 đến nay, Công an quận 12 liên tiếp nhận được tin trình báo của nhiều bị hại về việc mất tiền khi vay qua mạng. Điển hình, Công an phường Thạnh Lộc (quận 12) đã tiếp nhận tin báo của anh L.Q.T (SN 1979, ngụ phường An Phú Đông, quận 12) về việc có đăng ký vay tiền trên mạng qua ứng dụng Finhay với số tiền 40 triệu đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo hướng dẫn, để nhận được tiền vay, đối tượng yêu cầu anh T. phải nộp tiền vào tài khoản một khoản phí để xác thực. Tin lời, anh T. liền nộp nhiều lần với 100 triệu đồng vào tài khoản do chúng cung cấp rồi bị chặn mọi liên lạc.
Trước đó, cơ quan công an tiếp nhận trình báo của anh N.N.M.H (SN 1990, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) về việc có tham gia vay vốn qua ứng dụng Tfiancredit với số tiền 40 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục theo hướng dân trên app, đối tượng yêu cầu anh H. chuyển 70 triệu đồng để làm các thủ tục giải ngân khoản vay. Sau khi anh H. chuyển tiền thì không nhận được tiền vay. Vội liên hệ với số điện thoại từng giao dịch thì thuê bao đã… bị khóa.
Mới đây, ngày 08-12, anh V.H (35 tuổi, ngụ quận 12) cũng bị lừa đảo, tiền không vay được lại còn mang nợ. Theo đó, anh H. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là nhân viên công ty cho vay tài chính Jaccs hỏi anh có vay tiền không. Đang lúc cần tiền, anh H. kết bạn qua Zalo với một số điện thoại. Sau khi báo công ty đã xác nhận hồ sơ cho anh vay và gửi cho một đường link: https://tinyurl.com/JACCS-FINTECC, anh H. nhấn vào thì trang web có logo của Công ty Jaccs hiện ra.
Do bận làm việc nên anh H. đề nghị nhận tiền qua tài khoản, chỉ một lúc sau người này báo đã giải ngân 100 triệu đồng cho anh vay. Đợi mãi không thấy tiền vào tài khoản, gọi hỏi thì đối tượng nói anh ghi sai số tài khoản nên chuyển không được. Đối tượng nói anh phải đóng tiền để phá băng số tiền đó, không thì phải nợ công ty 100 triệu. Hoảng sợ, H. vội vay tiền người quen được 18 triệu chuyển cho đối tượng. Lát sau có người khác gọi điện yêu cầu đóng tiền bảo hiểm, lúc đó anh H. mới sực tỉnh đã bị lừa.
Đồng cảnh ngộ là trường hợp của anh T.P.T (công nhân tại H.Củ Chi). Cuối tháng 8-2022, gia đình T. có người bệnh nặng nên cần tiền gấp. Thấy trên Facebook có bài viết cho vay từ 30 – 200 triệu đồng qua app, thủ tục đơn giản, lãi suất thấp nên anh nhắn tin và hỏi vay 30 triệu đồng. Phía cho vay cũng yêu cầu T. tải app từ đường link, điền các thông tin cá nhân như CMND, mã số bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng… để thực hiện lệnh rút tiền. Tuy nhiên, khi T. rút tiền cũng bị báo lỗi sai thông tin tài khoản.
Theo phiếu thông báo này, anh T. phải đóng 3 triệu đồng (bằng 10% khoản vay) lên số tài khoản của phòng tài chính công ty để được ủy quyền từ xa. Trong lúc cần tiền gấp, lại bị phía cho vay đe dọa nếu không đóng 3 triệu đồng “phí ủy quyền” này thì dù không nhận được tiền vay, T. vẫn phải trả nợ kèm lãi. Lập tức anh đã chuyển số tiền theo yêu cầu vào tài khoản mà người cho vay cung cấp. Sau đó, T. hỏi bạn bè thì mới hay mình đã bị lừa.
Trả lãi “cắt cổ” còn bị “khủng bố”
Lợi dụng nhu cầu vay tiền với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, kẻ gian dùng mọi thủ thuật để “bẫy” người vay bằng các khoản chi phí không rõ ràng, lãi suất “cắt cổ”. Với những trường hợp vay được tiền, nhưng chậm trả lãi hoặc không có tiền trả cả gốc lẫn lãi, họ sẽ bị “khủng bố” bằng nhiều cách như tạt sơn, chất bẩn vào nhà, đập phá tài sản, hành hung, uy hiếp tinh thần, thậm chí đe dọa giết người.
Điển hình là Công ty Luật TNHH Power Law (trụ sở tại P.An Phú Đông, Q12) đã cho nhân viên cắt ghép hình ảnh vu khống, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ. Đầu tháng 12-2022, cơ quan Công an Q12 đã khởi tố, bắt tạm giam 11 bị can, 2 người bị khởi tố nhưng được tại ngoại về hành vi “vu khống”.
Trước đó, anh N.V (30 tuổi, ở quận Gò Vấp) đã vay tiền qua app 4 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 2,8 triệu, số tiền 1,2 triệu là tiền gốc và lãi tháng đầu tiên bị đối tượng cho vay lấy trước. Đến nay anh V. nợ cả gốc và lãi 60 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu để trả tiếp. Trong khi V. tải app vay tiền về, đăng nhập là đối tượng nắm luôn danh bạ điện thoại của anh. Ngoài việc liên tục gọi cho V. đòi tiền, từ danh bạ này đối tượng còn “khủng bố” tinh thần những người quen yêu cầu V. phải trả tiền cho chúng.
Trường hợp của chị T.H (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) càng trớ trêu hơn bởi vay 300 triệu đồng nhưng sau 2 tuần chị mắc nợ… 3 tỷ đồng. Do cần tiền nên H. vay “nóng” 300 triệu, trả góp hàng ngày, tính cả gốc và lãi trong 15 ngày phải trả khoảng 450 triệu đồng. Số tiền chị phải trả gốc và lãi từ 30 – 40 triệu đồng/ngày. Do H. không có tiền trả, đối tượng cho vay giới thiệu chị gặp một người khác để vay trả tiền.
Cứ người trước giới thiệu người sau cho chị vay để trả tiền cho chúng, đến nay H. đã vay của 13 người mà các đối tượng giới thiệu. Trong đó, những người cho vay sau thường ép chỉ cho H. vay trong 7 ngày, hoặc 10 ngày, 14 ngày, 21 ngày… để chị lấy tiền trả góp ngày. Hiện mỗi ngày H. phải trả cả gốc và lãi là 300 trăm triệu đồng. Hay tin nạn nhân không còn khả năng trả lãi, các đối tượng nhắn tin, gọi điện thoại, rồi tới công ty, đến nhà “khủng bố” tinh thần các thành viên trong gia đình. Chưa dừng lại, bọn chúng còn tạt sơn vào cổng nhà nên H. đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an quận Gò Vấp.
Theo giám đốc kinh doanh một công ty dịch vụ tài chính, khi người vay 1 triệu đồng thì họ chỉ nhận được 700.000 đồng vì 300.000 đồng đã bị trừ vào các chi phí, thủ tục. Thế nhưng họ vẫn bị tính là vay 1 triệu đồng. Và với mức lãi suất 9%/tuần có vẻ nhỏ, nhưng nếu tính theo đơn vị năm thì lãi suất đã lên đến khoảng 468%. Khi đó, một người vay 10 triệu đồng sẽ phải trả lãi lên đến gần 50 triệu đồng. Đó là chưa kể các loại hình phạt chậm trả lãi, lãi mẹ đẻ lãi con khiến người vay trả hoài không dứt nợ.
Bên cạnh lãi vay “cắt cổ”, người vay còn phải chịu một thứ “lãi” vô hình khác, đó là lộ các thông tin cá nhân, danh bạ người thân quen, tài khoản mạng xã hội, hình ảnh CMND/CCCD… Tùy theo đối tượng vay là công nhân hay học sinh, sinh viên, người đi làm mà các ứng dụng sẽ có những cách thu thập và khai thác thông tin khác nhau. Các thông tin này đối với một số người là không quan trọng nhưng bên app cho vay sẽ có cách khai thác để kiếm lời trong tương lai.
Để ngăn chặn tình trạng này, Công an TPHCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ cũng như Công an quận, huyện tập trung theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo. Trong trường hợp nếu bị “khủng bố”, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng hơn là tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Trung tướng Trần Ngọc Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, lợi dụng công nghệ và mạng xã hội, các đối tượng cho vay thường tung những hình ảnh, thông tin quảng cáo hấp dẫn như không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… Nhưng khi “con mồi” vào tròng thì bọn chúng thực hiện nhiều thủ đoạn để thu thêm các khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; hoặc ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay.