Số ca mắc tay chân miệng tại Đồng Nai có xu hướng tăng cao từ cuối tháng 5, mỗi tuần ghi nhận khoảng 200 -300 ca.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, số ca mắc tay chân miệng trên toàn tỉnh có xu hướng tăng từ đầu tháng 3 (tuần 10), đến cuối tháng 5 , mỗi tuần ghi nhận khoảng 200-300 ca.
Đến ngày 22/6, số ca mắc tay chân miệng toàn tỉnh được ghi nhận là 1.694 ca, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện tốt “3 sạch” gồm: ăn uống sạch (ăn chín, uống chín), ở sạch (thường xuyên lau sạch sàn nhà, các bề mặt và các vật dụng tiếp xúc hàng ngày) và bàn tay sạch (người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh).
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng: Giai đoạn khởi phát, từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát, có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: loét miệng; phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm; sốt nhẹ; nôn.
Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Do đó, người dân cần nắm chắc các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng cho trẻ.